Tìm kiếm
Quận Tây Hồ
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hành chính công
Phần mềm ứng dụng
Trang tin các Phường
Liên kết website
Tin tức - sự kiên tiêu biểu
Chiều ngày 14/3/2023, tại trụ sở UBND quận Tây Hồ đã diễn ra hội nghị trao đổi về Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận theo định hướng phát triển của Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” giữa UBND quận Tây Hồ và các nhà khoa học. Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến và Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam PGS. TS. Bùi Quang Tuấn chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị, về phía UBND quận còn có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận: Nguyễn Thanh Tịnh, Bùi Thị Lan Phương; các đồng chí là Trưởng phòng và đại diện các Phòng: Kinh tế, Văn hóa - Thông tin, Quản lý đô thị, Tài nguyên Môi trường, Tài chính – Kế hoạch; đồng chí Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn Phòng UBND – HĐND quận; đồng chí Giám đốc Ban Quản lý Dự án...
Về phía các nhà khoa học có Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch PGS. TS. Phạm Trung Lương; Các nhà khoa học tại Viện Kinh tế Việt Nam có: Phó Viện trưởng, TS. Lê Xuân Sang và TS. Phạm Anh Tuấn; TS. Hà Huy Ngọc – Trưởng Phòng Kinh tế vùng; TS. Nguyễn Đình Hòa – Trưởng Phòng Kinh tế phát triển; TS. Đặng Thị Hoàng Mai – Trưởng Phòng Kinh tế ngành; PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Trâm – Viện trưởng Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Ths. Nguyễn Phương Thảo – cán bộ nghiên cứu và nghiên cứu sinh Bùi Nhật Huy – chuyên gia về thủy sản và cảnh quan môi trường.
Đồng chí Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến cho biết, vừa qua, thành phố giao cho quận Tây Hồ là đầu mối để tổ chức quản lý và khai thác hồ Tây; phối hợp với các Sở, ngành trong việc xây dựng quy định về quản lý hồ Tây và Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận...”.
Sau khi được giao, Quận đã chủ động bắt tay xây dựng quy định về quản lý hồ Tây. Dù chưa được ban hành, nhưng đến nay qua 3 lần xin thảo luận, xin ý kiến hoàn thiện, cơ bản các sở ngành đã tham gia ý kiến.
Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận...” do Viện Kinh tế và Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam giúp quận Tây Hồ xây dựng là một nội dung mới, đặc biệt quan trọng. Vì vậy, trên tinh thần dự thảo đề cương lần 1, Quận muốn tiếp tục trao đổi, lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn để hoàn thiện Đề án trình thành phố.
Theo báo cáo tóm tắt đề cương Đề án được trình bày tại hội nghị, Đề án gồm 03 phần. Trong đó nội dung tập trung vào việc đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và kinh tế xã hội phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn, khai thác giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận; Xác định các giá trị văn hoá, cảnh quan, giá trị thiên nhiên cần được quản lý, bảo tồn ở Hồ Tây và vùng phụ cận; Đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy các giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận để xác định được các bất cập, điểm nghẽn về quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận; học tập kinh nghiệm thực tiễn của một số Thủ đô và thành phố trên thế giới về quản lý, bảo tồn và khai thác Hồ ở đô thị.
Phát biểu tại hội nghị, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, tên của Đề án có cụm từ “quy hoạch”, đây là vấn đề đã bao trùm đủ các nội dung phía sau của Đề án. Vì vậy, đề nghị UBND quận làm rõ định hướng đề cương, xác định phạm vi quy hoạch của Đề án.
Quang cảnh hội nghị
Thông qua trao đổi, với 14 ý kiến của các nhà khoa học và đại diện các phòng chuyên môn UBND quận Tây Hồ, những nội dung và phạm vi thực hiện Đề án đã được thảo luận cụ thể tại hội nghị.
Đồng chí Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin Chử Phùng Lệ Giang đã nêu rõ về hiện trạng văn hóa, giá trị văn hóa của hồ Tây và vùng phụ cận có nhiều nét đặc sắc, độc đáo. Với giá trị văn hóa vật thể, Tây Hồ có 71 di tích, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng gắn liền với Thăng Long – Hà Nội. Giá trị văn hóa phi vật thể có Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, tín ngưỡng thờ mẫu ở Phủ, hát ca trù... có các làng nghề truyền thống nổi tiếng: Xôi Phú Thượng, Quất Tứ Liên, Đào Nhật Tân, Giấy Dó Yên Thái (Bưởi); dấu tích cổng làng cổ ở phường Bưởi; phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Hiện tại, quận Tây Hồ đang tiến hành làm số hóa các thông tin về di tích và đề xuất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao ở khu vực hồ Tây; xây dựng đề án xây dựng hạ tầng kĩ thuật, sản phẩm làng nghề để phát triển du lịch làng nghề; đang làm hồ sơ để công nhận điểm du lịch và xây dựng tuyến du lịch đối với du khách trong nước và quốc tế. Với những hạn chế liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy, đồng chí Trưởng phòng VHTT mong muốn Đề án được thực hiện sẽ khắc phục những điểm tồn tại để phát huy tốt những tiềm năng vốn có của quận.
Đồng chí Đỗ Thanh Tùng - Trưởng phòng Quản lý đô thị lưu ý khi thực hiện vấn đề “quy hoạch” trong Đề án cần bám chắc vào quy hoạch đô thị như quy hoạch phân khu A6, H21, ngoài đê sông Hồng. Quanh khu vực hồ Tây có 15 tuyến đường có tên, trên địa bàn có 08 bến thủy nội địa, vì vậy cần có sự kết nối giao thông; công tác quản lý hồ Tây cần gắn kết với phân khu đô thị ở phía ngoài đê sông Hồng; quy hoạch cảnh quan, kiến trúc đường Thanh niên kết nối với cảnh quan các di tích bên hồ Tây và quận Ba Đình.
Đồng chí Trưởng phòng Kinh tế Nguyễn Việt Cường cho rằng, cảnh quan, hệ sinh thái... cần phải bảo tồn và khai thác đúng mức. Quận Tây Hồ có các làng nghề, có làng nghề gắn liền với khu dân cư lâu đời: trồng đào, trồng quất, làm chè sen... cần tiến hành số hóa nhanh, nếu không sẽ bị chậm so với các địa phương khác. Việc kết nối tua, tuyến du lịch chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Theo đồng chí Giám đốc Ban Quản lý Dự án Bùi Tuấn Dương, việc thành phố giao cho quận Tây Hồ là đầu mối quản lý thống nhất hồ Tây là phù hợp. Tên của Đề án cần giữ nguyên vì do Thành ủy Hà Nội chỉ đạo thực hiện. Đề án cần quan tâm đến nội hàm, đến quy hoạch kinh tế - xã hội; trên cơ sở phát triển của Thủ đô, đề ra quy hoạch kinh tế - xã hội trong thời gian tới và có kế hoạch triển khai nhanh nhất quy hoạch đô thị, đề ra giải pháp quản lý hồ Tây có đặt ra vấn đề bảo tồn và mục đích chính là phát huy giá trị khai thác hồ Tây.
Đại diện phòng Tài chính – Kế hoạch quận chia sẻ, lĩnh vực tài chính quan tâm đến quản lý, khai thác hiệu quả hồ Tây. Việc khai thác triệt để hồ Tây và vùng phụ cận sẽ làm tăng sự phát triển kinh tế, dân số, tạo công ăn việc làm cho người dân quanh hồ, quận có nguồn thu bền vững từ hồ Tây. Nhưng việc khai thác cần gắn với việc bảo tồn các di tích của quận.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương phát biểu tại hội nghị
Mục tiêu của quận là trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hóa của Thủ đô, vì vậy khai thác các dịch vụ đưa khách du lịch đến quận Tây Hồ để phát triển kinh tế. Hiện nay quận còn nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác triệt để. Hội nghị hôm nay với mong muốn các nhà nghiên cứu chuyên môn sẽ giúp cho quận phát huy và khai thác hiệu quả toàn bộ giá trị của hồ Tây và các vùng phụ cận để xây dựng quận Tây Hồ phát triển góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô, đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương đề nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Chủ tịch UBND quận nhấn mạnh, tên đề tài đã nêu lên 04 vấn đề cần thực hiện trong đề án: quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị. Vấn đề quy hoạch trong Đề án, không điều chỉnh các quy hoạch đã phê duyệt và tôn trọng hiện trạng vì quận có những vùng đất cổ, hướng thiên về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Tập trung bảo tồn, khai thác, phát huy tiềm năng hồ Tây, tạo ra tính khác biệt, độc đáo của hồ Tây. Phạm vi nghiên cứu trung tâm là hồ Tây, các hồ nhỏ xung quanh hồ Tây, xung quanh hồ và vùng phụ cận: hiện trạng cư dân, làng xóm xung quanh hồ Tây gắn liền với văn hóa sông Hồng. Việc lập quy hoạch hướng đến mục tiêu quảng bá, làm đậm nét hơn giá trị văn hóa hồ Tây, bảo tồn các giá trị hiện hữu như di tích nhà bà An, nhà bà Hai Vẽ (phường Phú Thượng)... gắn liền với sự hình thành cố đô Thăng Long như đường Thanh niên... và khai thác để phát triển kinh tế.
Với những ý kiến tham góp tại hội nghị, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ mong muốn các chuyên gia của Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sẽ tham mưu những giải pháp giúp cho quận thực hiện mục tiêu hoàn thành Đề án và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.
PGS. TS. Phạm Trung Lương phát biểu tại hội nghị
PGS. TS. Phạm Trung Lương – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, cần kiến nghị để được thành phố công nhận là điểm du lịch, quy hoạch mang tính định hướng cụ thể để hiểu rõ ranh giới làm đến đâu, cần có ranh giới cứng kèm theo bản đồ. Xây dựng Đề án và phát triển du lịch phải dựa trên lợi thế so sánh là những giá trị duy nhất và đặc sắc hơn, định hướng rõ về sản phẩm du lịch.
TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế góp ý, nên phục dựng lại nhà tưởng niệm nhà thơ Hồ Xuân Hương – danh nhân văn hóa thế giới, đây cũng là cơ sở để sau này nghiên cứu đưa hồ Tây trở thành di sản văn hóa thế giới.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, việc xây dựng nhà tưởng niệm nhà thơ Hồ Xuân Hương không thể thực hiện được trong Đề án do chưa có cơ sở vì chưa có công bố của các nhà nghiên cứu. Giữ nguyên tên Đề án, giữ nguyên các quy hoạch hiện hữu; đề xuất một trung tâm sách ở khu vực vườn hoa Lý Tự Trọng; có nơi giới thiệu du lịch; phát triển kinh tế đêm tại khu vực Phủ Tây Hồ; mức độ đa dạng sinh học ở hồ Tây rất phong phú, vì vậy cần tập trung khai thác giá trị hồ Tây và các vùng phụ cận gắn với du lịch.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu tại hội nghị
Tổng kết những ý kiến tại hội nghị, đồng chí Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn và đồng chí Chủ tịch UBND quận Nguyễn Đình Khuyến đã chốt lại những vấn đề và phạm vi thực hiện trong Đề án, làm cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện Đề án để sớm hoàn thành theo tiến độ thời gian thành phố đã giao./.
Trung tâm VHTT&TT Tây Hồ