Hà Nội, Thứ 6, 22/11/2024

Am Gia Hội(Đền Thọ Phúc Lộc)

Chủ nhật, 24/09/2023 | 15:40 | Lượt xem: 1,169

GIỚI THIỆU

Am Gia Hội là nơi phụng thờ và tưởng niệm ba vị nữ thần là Công chúa Vạn Thọ được phong tặng là “Kính thiên pháp tổ Bà Vương” hay “Trấn tĩnh Bà Vương”, Vạn Phúc Đệ nhất Công chúa, Vạn Lộc Đệ nhị Công chúa.
Hiện nay Am Gia Hội thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Cuốn thần phả có ký hiệu Aea2/34 lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ghi chép rõ ràng về lai lịch, công tích của ba vị nữ thần được thờ tại đây:
Hai nàng Công chúa họ Lý, chị là Phúc, em là Lộc, người Long Hưng, Thái Bình, tổ tiên là Lý Hành. Hai nàng Phúc, Lộc là con gái của Lý Bí. Khi mới sinh ra, hai nàng đã có dung mạo khác thường: mày ngài, mắt phượng, mặt hoa, da phấn, tóc mượt như mây. Khi lớn lên hai nàng mê sông nước, thích chơi sóng gió, thường bơi thuyền ngắm cảnh nơi biển cả, sông dài.
Vua cha và Hoàng hậu ra lệnh cấm hai nàng đi chơi. Hai nàng buồn rầu thề nguyện “Chúng con nguyện cưỡi gió, đạp sóng, chém cá kình trên biển cả, cứu vớt dân sinh trong nạn nước, nạn lửa. Tấm thân sắt đá, khí tiết bách tùng này há lại bắt chước người đời cúi đầu khom lưng làm tỳ thiếp, cam tâm phục dịch nội sự hay sao?”.
Vua và Hoàng hậu từ đó phải chấp thuận sở hiếu của các nàng. Một hôm hai nàng bơi thuyền trên sông Tô, dừng chèo bên chân hòn núi đá nhỏ, bỗng nghe kể về con cáo chín đuôi có phép thần thông biến hóa hại người ở đây. Hai công chúa bí mật quay thuyền đi học phép thuật để trừ yêu quái giúp dân. Đến sông Như Nguyệt, hai nàng gặp một cô gái có đạo pháp cao siêu, không phải người thường. Hai nàng bèn mời nàng vào cung. Trước nhà vua và triều thần nàng đã gọi gió, làm mưa, sấm chớp ầm ầm. Nhà vua phục tài và đặt tên cho nàng là Vạn Thọ Công chúa. Sau đó Công chúa Vạn Thọ cùng hai nàng Vạn Phúc, Vạn Lộc xin đi giúp vua dẹp trừ yêu quái.
Nàng Vạn Thọ xin vua cho lập đàn tế và nói: “Ta bẩm sinh từ khí thiêng của nguyên khí. Thiên đình cao xa bận rộn nên không để ý tà ma gây hại. Nay thấy Thiên tử mưu việc lớn, Thượng đế sai ta xuống cứu giúp, làm phúc lâu dài, để sáng tỏ đức của quân vương”.
Nhà vua sai lập tám đàn mời Vạn Thọ đến diệt yêu quái. Vạn Thọ mời Thượng đế rồi niệm thần chú. Giông gió, sấm sét nổi lên dữ dội, cây rừng bị nhổ hết, đồi núi sạch không mà yêu ma tuyệt tích. Giữa đàn có đám mây đỏ rực bay lên. Trông lại không thấy Vạn Thọ đâu. Từ đó hồ tinh cũng mất hẳn. Vua khen mãi không thôi, bèn lập miếu thờ và phong làm “Trấn tĩnh Bà Vương” sai hai Công chúa sớm tối phụng thờ.
Sau này hai Công chúa lại giúp cha dẹp giặc phương nam, biên cương yên ổn, đất nước phồn thịnh. Rồi một ngày nghe tin vua cha qua đời hai nàng kêu khóc thảm thiết cũng hóa tại nơi tu trì. Dân địa phương coi là phúc thần thờ chung với Vạn Thọ.
Năm Trùng Hưng thứ tư (1288) gia phong ba vị là Thượng đẳng phúc thần. Các triều đại phong kiến về sau đều ban sắc phong thần.
Đền Thọ Phúc Lộc nằm bên bờ nước hồ Tây cạnh Đình Trích Sài, làng Trích Sài. Với quy mô khiêm tốn nhưng thoáng mát, sạch sẽ, với sự tối linh của ba bà chúa, Đền Thọ Phúc Lộc lúc nào cũng hấp dẫn mọi người. Đền kiến trúc kiểu chữ đinh gồm ba gian tiền tế và một gian hậu cung. Trên là tượng Phật, dưới là tượng ba công chúa Thọ, Phúc, Lộc.
Trong đền có biển đề: Mẫu nghi thiên hạ
Hai bên có câu đối:
Từ am phát tích chung tú địa
Linh thiêng giáng ứng tại phủ đường.
Tạm dịch:
Từ am phát tích nơi hun đúc
Linh thiêng giáng ứng chốn phủ đường.
Các đền thờ Mẫu tối linh không thuộc tam phủ như đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, đền thờ thân mẫu Phù Đổng Thiên Vương, đền ba Công chúa Thọ, Phúc, Lộc cũng có biển đề: Mẫu nghi thiên hạ. Chúng ta không nên nhìn vào biển đề Mẫu nghi thiên hạ mà vội vã kết luận đền này thờ mẫu Liễu Hạnh. Thần phát tích tại Trích Sài, giáng ứng tại Trích Sài là ba công chúa Thọ, Phúc, Lộc.
Hiện ở đền không còn bia đá nói về sự việc hiển tích giáng ứng của các thần, nhưng ở Chùa Thiên Niên vẫn còn tấm bia nói rất rõ việc này – chùa Thiên Niên cũng thuộc địa bàn phường Bưởi cách đây không xa…
Nhận xét:
- Đền Thọ Phúc Lộc ở làng Trích Sài, phường Bưởi quận Tây Hồ, Hà Nội thờ ba Công chúa thời Lý Nam Đế là Vạn Thọ, Vạn Phúc, Vạn Lộc. Qua tư liệu Hán - Nôm hiện có như: Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi ký; Tây Hồ chí; Tam vị công chúa linh phả đã khẳng định điều này.
Đền có tên là Đền Thọ Phúc Lộc (Đền ba Bà Chúa, Đền Trích Sài, Đền Gia Hội). Hiện nay dân địa phương quen gọi là Am Gia Hội.
- Hiện nay quan niệm về Phúc, Lộc, Thọ (Tam Đa) là chịu ảnh hưởng tư tưởng của người Trung Quốc. Người Trung Quốc cho rằng Phúc, Lộc, Thọ chính là Thiên Quan, Viên Ngoại Lang, Nam Cực Tiên ông (ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ). Người ta thường treo tranh hay bày tượng Phúc, Lộc, Thọ tại nhà, biểu thị “tam tinh tại hộ”, phúc, lộc, thọ, hỷ khánh đầy nhà.
Chúng ta cần nhớ rằng Việt Nam cũng có ba bà chúa Vạn Thọ, Vạn Phúc, Vạn Lộc đã được thờ ở Am Gia Hội, làng Trích Sài, quận Tây Hồ và làng Trà, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Am Gia Hội được Thành phố xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật tại Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2008.

TIN LIÊN QUAN

BÌNH CHỌN

Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ Một Cửa?