Hà Nội, Thứ 7, 05/10/2024

Đền Bảo Linh

Chủ nhật, 24/09/2023 | 15:36 | Lượt xem: 921

 

GIỚI THIỆU

Đền Bảo Linh tọa lạc tại số 33, tổ 41 phường Nhật Tân. Nếu đi theo đường Lạc Long Quân từ phía Bưởi đến, qua trụ sở Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ khoảng 100m rẽ phải là đến di tích.
Theo các cụ cao tuổi trong cụm dân cư cho biết, trước đây miếu Hoa Đình (đền Bảo Linh ngày nay) có quy mô kiến trúc nhỏ gồm ba gian đơn giản tranh tre. Sau này được sự quan tâm của Đảng, chính quyền và nhân dân cùng sự phát triển đi lên của tín ngưỡng dân gian có tu sửa và mở rộng quy mô kiến trúc hơn trước đây gồm 03 gian 02 chái ở vị trí khá đẹp của phường Nhật Tân, liền kề phía trước là nhà thờ họ Nguyễn, bên phải là hồ Tây, phía sau nằm liền kề với khu dân cư.
Tổng thể của đền hiện nay bao gồm: cổng đền; nhà khách, sân vườn; đền chính (tiền tế, hậu cung).
Cổng di tích nhỏ gọn trên đề “Bảo Linh đền” (Đền Bảo Linh) bằng chữ Hán. Dưới đề là nhà số 33.
Hai bên là câu đối:
Ngũ sắc tường vân cai thánh điện
Thiên thu ân vụ phúc dân linh
Nghĩa là:
Ngũ sắc mây lành che điện thánh
Ngàn năm mưa móc tưới sinh dân
Toàn bộ kiến trúc của đền nằm khiêm tốn bên bờ Hồ Tây. Đền nhìn hướng đông nam, kiến trúc theo kiểu chữ nhị, ba gian bái đường lớn hơn, ba gian hậu cung nhỏ hơn, tất cả đều đơn giản xây theo kiểu tường hồi bít đốc không cao nhưng rất thần mật.
Phía trên cao nhất của hậu cung đặt khám thờ và tượng của ba vị thánh Mẫu đó là: mẫu Thượng Thiên (Vân Hương Thánh Mẫu), mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải (mẫu nước).
Lớp tượng thứ hai là Ngọc Hoàng Thượng Đế. Bên trái có thị giả Nam Tào, bên phải có thị giả Bắc Đẩu.
Điện thờ bên trái trong hậu cung là Đức Cửu Thiên Vũ Đế Trần Hưng Đạo. Điện thờ bên phải trong hậu cung là chúa Thượng Ngàn. Phía ngoài bái đường là ngũ vị tôn ông. Hai đầu hồi đặt các hàng bia hậu rất ngay ngắn.
Về tam tòa Thánh Mẫu được giải thích:
1. Mẫu Thiên - Thiên Tiên Thánh Mẫu - Vân Hương Thánh mẫu - Mẫu Liễu trang phục màu hồng hay vàng.
2. Mẫu Địa - Mẫu Thượng Ngàn trang phục màu xanh.
3. Mẫu Thủy - Mẫu Thoải trang phục màu trắng.
Với tư tưởng một chúa ba ngôi, nhất thế tam vị, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật của triết học và thần học thì Mẫu Thiên là nhất, nhất sinh nhị sinh tam. Nghĩa là từ Mẫu Thiên mà hóa thân thành Mẫu Địa - thứ hai, rồi lại hóa thân thành Mẫu Thoải - thứ ba. Chính vì thế mới có tên là Tam tòa Thành Mẫu. Nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu - chúa tể Tam phủ thờ cả Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào - Bắc Đẩu, Ngũ Vị Quan Lớn, Tứ vị chầu bà… nên gọi là Tam phủ công đồng hay Tứ phủ vạn linh. Phủ thứ tư để thờ các vị linh thần khác chứ không phải để thờ thêm một mẫu nào.
Cùng với tư tưởng thiên nhân hợp nhất nên Mẫu Thiên chính là Mẫu nhân gian. Mẫu Thiên hóa thành người dưới trần rồi được phong là Liễu Hạnh Công chúa, Mã Hoàng Công chúa, được nhân gian gọi là Mẫu Liễu hay Vân Hương Thành Mẫu. Như vậy, Mẫu Thiên (Thiên Tiên Thánh Mẫu) và Mẫu Liễu là một.
Đền Bảo Linh giống như các phủ đều thờ Tam vị Thánh mẫu, Ngọc Hoàng thượng đế, ngũ vị tôn ông, các cô, các cậu. Chỉ có điều khác là đền đặt thêm điện thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Qua Văn bia được lưu giữ tại đền cho thấy đền Bảo Linh được xây dựng vào đầu triều Nguyễn trải các năm Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân đều tu sửa.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại đền Bảo Linh là nơi thành lập chi bộ Đảng xã Quảng Tân (trước đây Quảng An và Nhật Tân là một xã). Đồng thời cũng tại nơi đây thôn Hoa Đình đã đào hầm bí mật để nuôi giấu các đồng chí cán bộ chỉ huy kháng chiến của Quảng Tân gắn liền với các hoạt động của đội du kích Quảng Tân tại căn cứ Bãi sậy sông Hồng. Tại đền Bảo Linh đã ghi dấu tội ác của thực dân Pháp trong trận càn ngày 20/4/1951, chúng đã bắt và tra tấn dã man hai chiến sĩ du kích rồi bắn chết ngay trước mặt nhân dân để thị uy hòng làm giảm nhuệ khí cách mạng của du kích và nhân dân Nhật Tân nhưng tinh thần đấu tranh của nhân dân lại càng lên cao. Hiện nay trong đền còn lưu giữ bát hương cổ bằng đồng do thực dân Pháp bắn thủng. Với những thành tích trên, ngày 04/12/2012 đền Bảo Linh đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định số 5597/UBND về việc công nhận di tích đền Bảo Linh là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến.
Hiện nay trong đền Bảo Linh còn lưu giữ được số lượng hiện vật, đồ thờ đầy đủ phong phú, đa dạng nhưng đáng chú ý là hệ thống bia đá có niên đại thời Nguyễn (9 tấm bia đá) nội dung trên bia ghi tên những người đóng góp công đức để tu bổ đền, quả chuông đồng thời Nguyễn, khám thờ gỗ sơn son thếp vàng, 03 bát hương bằng đồng, đáng chú ý trong đền còn lưu giữ được 01 bát hương đồng do giặc Pháp bắn thủng thời kỳ chống Pháp.
Xuất phát từ những giá trị trên, đền Bảo Linh đã được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích Lịch sử văn hóa ngày 27/1/2014.

TIN LIÊN QUAN

BÌNH CHỌN

Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ Một Cửa?