GIỚI THIỆU
Đền có tên chữ là Dực Thánh từ - nghĩa là Đền Dực Thánh, đây là tên gọi mà nhân dân địa phương vẫn thường dùng từ xưa đến nay. Ngoài ra di tích còn có tên gọi là miếu Giáp Bắc, sở dĩ có tên gọi này bởi vì di tích nằm ở phía bắc làng Hồ Khẩu.
Trước đây thời Lê đền Dực Thánh thuộc giáp Bắc, phường Hồ Khẩu, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên. Thời Nguyễn di tích thuộc phường Hồ Khẩu, tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Đến thời Pháp di tích thuộc tổng An Thái, huyện Thọ Xương, ngoại thành Hà Nội. Ngày nay, di tích thuộc số nhà 79 - tổ 7 - cụm 2 - phường Bưởi - quận Tây Hồ - thành phố Hà Nội (Nay thuộc số nhà 89 ngõ 378 Thụy Khuê - phường Bưởi – quận Tây Hồ - Hà Nội).
Để đến được với di tích, du khách có thể đi bằng nhiều đường và bằng các phương tiện khác nhau. Nhưng thuận tiện và dễ đi hơn cả là theo trục đường sau: Từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đường Hùng Vương - Quán Thánh - Thụy Khuê đến địa phận phường Bưởi rẽ phải vào cổng làng Hồ Khẩu đi khoảng 300m là đến di tích Đền Dực Thánh, nằm ở phía trái trông ra hồ Tây.
Hồ Khẩu là một địa danh cổ nằm ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long xưa. Đã từ lâu mảnh đất và con người Hồ Khẩu rất nổi tiếng khắp cả nước bởi những kỳ tích gắn bó với lịch sử dân tộc và bởi bàn tay, khối óc tài hoa đã dựng lên truyền thống của một nghề thủ công (nghề sản xuất giấy dó) mà cuộc sống và những sản phẩm độc đáo của họ đã đi vào sử sách, ca dao, huyền thoại.
Sử sách, thần tích, sắc phong, bi ký và truyền thuyết dân gian trong vùng đều cho biết di tích đền Dực Thánh thờ vị thần có nhiều công tích với Thăng Long ngay trong giai đoạn đầu trở thành Quốc đô của đất nước. Do vậy lai lịch, sự tích của thần được sử sách xưa và nay ghi chép lại khá nhiều:
Xưa vào đời Hùng Vương thứ 18, ở châu Bố Chánh sinh động thánh. Lê Quốc Công hiệu là Tín Phệ, làm quan trong triều, vâng sắc lệnh làm quản lãnh Lục bộ sự, được vua gả con gái là Cẩn Nương công chúa. Sau này nhân công chúa mất sớm không có con, ông dâng sớ xin đích thân ngắm tìm phong cảnh, chọn được đất lành ở địa phận bản ấp tức phường Hồ Khẩu, huyện Hoàn Long, phủ Hoài Đức làm nhà ở, sau lấy bà Thục Nương, tức Thánh Mẫu. Do chậm có con, nên ông bà thường đi chơi hồ Tây, cầu tự tại các đền chùa. Một hôm bà ứng mộng Xích Giáp - Long thần hồ Tây mà có thai. Sau sinh ra cái bọc, bọc vỡ thành hai cậu bé khôi ngô tuấn tú. Cậu lớn gọi là Cống Lễ, cậu bé gọi là Cá Lễ. Hai cậu lớn lên, dung mạo khác thường, tài năng cái thế. Vua Hùng vừa nhìn thấy biết ngay là Long thần giáng thế, phong anh cả là Tả Chưởng quan, em là Hữu Chưởng quan, nắm giữ thủy binh của triều đình.
Lúc này vua Thục đem quân đến xâm lược, hai ông cùng Tản Viên Sơn Thánh đã đánh cho quân Thục tơi bời. Khi thuyền của hai ông từ bờ sông Nhĩ Hà vào sông Tô Lịch đến ấp Hồ Khẩu, chỗ Đền Vệ Quốc hiện nay thì hai vị cũng bay về trời.
Tin này đến tai vua Hùng, vua ban sắc cho ấp Hồ Khẩu lập đền phụng thờ hai ông. Giáp Bắc lập đền thờ Cống Lễ gọi là Dực Thánh từ, Giáp Đông lập đền thờ Cá Lễ gọi là Vệ Quốc từ. Thái Tổ đem quân đi đánh Chiêm Thành đã vào đền cầu đảo. Vua được âm phù, nên đại thắng quân Chiêm, đã gia phong cho hai vị là Phụ quốc tế thế.
Trần Nhân Tông chống quân Nguyên đã sai Trần Quốc Tuấn đến cầu đảo ở đền, lại được anh em âm phù nên đại thắng quân giặc ở sông Bạch Đằng. Vua Trần lại gia phong Hiển ứng uy linh.
Thời Lê, hồng thủy uy hiếp đê Yên Phụ, vua cho người đến đền cầu đảo lại được âm phù làm cho nước rút. Từ đấy về sau, hai thần thường hiển linh giúp cho quốc thái dân an.
Đền Dực Thánh hiện tọa lạc trên một khu đất cao, quay ra hướng đông trông ra hồ Tây. Trước đây đền có quy mô kiến trúc lớn và hoàn chỉnh. Trải qua bao năm tháng, trước sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến tranh và tác động của con người đã làm cho một số bộ phận trong quy hoạch tổng thể của di tích bị mai một dần. Hiện nay, các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: Cổng đền ở phía trước, khu kiến trúc chính có kết cấu mặt bằng kiểu chữ “đinh” gồm: Tiền tế, trung tế và hậu cung.
Cổng vào của di tích được xây dựng ở phía ngoài, đây là một bộ phận kiến trúc muộn được xây bằng hai cột trụ biểu, đố trụ đắp hình trái giành, thân trụ tạo không để ghi câu đối. Chính giữa là một bức đại tự đắp nổi ba chữ Hán lớn “Dực Thánh Từ” (Đền Dực Thánh), xung quanh là hệ thống tường bao khép kín, ghép bằng những viên gạch vồ thế kỷ XVI.
Tiền tế là một lớp nhà ngang 3 gian 2 dĩ xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Chính giữa bờ nóc trang trí lưỡng long chầu cuốn thư trang trí văn triện, bên trong đề ba chữ Hán “Dực Thánh Từ”.
Nối tiền tế và hậu cung là trung tế gồm một gian, với 2 bộ vì kết cấu khác nhau “giá chiêng” và “quá giang” tất cả đều được bào trơn đóng bén.
Kiến trúc hậu cung là một nếp nhà ngang rộng ba gian với bốn bộ vì được làm thống nhất theo kiểu chồng rường. Chính giữa hậu cung là một hương án gỗ cao 120cm, phía trên để một khánh kính lớn, bên trong bài trí long ngai bài vị thờ thần.
Tồn tại cho đến ngày nay, di tích đền Dực Thánh còn bảo lưu được một bộ di vật có giá trị văn hóa lịch sử với nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau: 01 cuốn “Thần tích phường Hồ Khẩu” ghi chép sự tích hai anh em Dực Thánh tướng quân và Vệ Quốc tướng quân; 02 đạo sắc phong thần, có niên đại Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783); 03 tấm bia đá, trong đó có 02 tấm bia niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1877) và 01 bia niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893) nội dung bia ghi việc trùng tu thần miếu; 01 bức cửa võng sơn son thếp vàng, trang trí văn triện - nghệ thuật thế kỷ XIX; 01 bức hoành phi “Dực Thánh từ”; 03 đôi câu đối có nôi dung đều dùng để biểu lộ lòng thành kính và biết ơn vị thần được tôn thờ; 02 quả chuông đồng; 01 bộ đỉnh đồng; 01 bộ hương đồng; 02 đôi cây đèn đồng…
Đền Dực Thánh là một trong những di tích có niên đại ra đời sớm ở Thủ đô. Qua bao thử thách khắc nghiệt của thời gian, bao biến đổi thăng trầm của lịch sử nước nhà. Năm tháng, binh lửa chỉ có thể làm biến đổi diện mạo của ngôi đền, còn những giá trị to lớn được định hình ngay từ khi di tích mới được ra đời vẫn đọng lại và tồn tại bền vững tới ngày nay.
Trong không gian hạn hẹp của địa phương, ngôi đền có tác động gắn bó từ ngàn đời. Ngay từ khi mới xây dựng, đền đã là nơi hội họp, thực hiện mọi nghi lễ của làng. Cho đến nay, đền Dực Thánh vẫn phát huy đúng giá trị của nó, tấm gương các vị phúc thần có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân địa phương.
Nằm sát phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long, bên hồ Tây lắng hồn non nước và sông Tô đượm sắc hương huyền thoại, đượm chất thơ và đượm màu lịch sử, về thần thoại, quan niệm về vũ trụ mà các ngành khoa học cần tìm hiểu nghiên cứu. Đền Dực Thánh sẽ cùng với các di tích phụ cận như đền Vệ Quốc, đền Thăng Long, đền Đồng Cổ, chùa Tĩnh Lâu… tạo thành
TIN LIÊN QUAN