Bác Mai Văn Liên, sinh năm 1950 là hòa giải viên tổ dân phố số 10 phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ. Tham gia công tác hòa giải từ năm 1992, sau nhiều năm, Bác đã giúp đỡ người dân Tổ dân phố giải đáp những khúc mắc thường ngày, vì vậy mọi việc mâu thuẫn to, nhỏ những người dân trong tổ luôn tìm đến bác, họ yên tâm khi giãi bày những suy nghĩ, sự việc của gia đình xóm ngõ với bác. Những lúc như vậy bằng lời lẽ hợp tình, hợp lý bác đã khiến các bên như được xoa dịu đi khi bầu không khí căng thẳng.
Kinh nghiệm đúc kết của bác Liên là không có bất cứ một mẫu chung nào để áp vào các sự vụ, các mâu thuẫn. Để hòa giải thành công, người hòa giải viên phải biết phân tích, nhìn nhận và linh động xử lý từng vụ việc theo từng hoàn cảnh cụ thể, nắm được câu chuyện, tâm tư nguyện vọng của từng bên. Đồng thời cũng phải nắm được nguồn cơn, nguyên nhân của mỗi mâu thuẫn…
“Trong nhiều năm làm công tác hòa giải, chúng tôi cũng đã hòa giải được nhiều vụ mâu thuẫn to có, nhỏ có. Và cũng sau bấy nhiêu năm, tôi cũng nhận ra rằng, việc hòa giải dưới cơ sở rất quan trọng. Giải quyết được gốc rễ vấn đề, sẽ tránh được những khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp lên phường, quận, thành phố…”, bác Liên nói.
Cũng theo bác, yếu tố cần có của người hòa giải viên đó là uy tín. Bởi có uy tín thì nói người ta mới nghe. “Khi tôi ra đường, nhìn thấy tôi từ xa bà con đã chào. Điều đó chứng tỏ mình có uy tín trong Nhân dân”, bác Liên chia sẻ.
Với bác, các cuộc hòa giải khiến người hòa giải viên đau đáu nhất vẫn là những câu chuyện mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thân trong gia đình. Với những mâu thuẫn dạng này, các hòa giải viên đều bảo nhau, phải cố gắng hết sức để hóa giải. Ở thời nào cũng vậy, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” nên là phải giải quyết cho bằng được. Tránh kiện tụng và nếu để ra tòa thì không còn gì để mà nói… Lúc đó tình thân cũng bằng không!
Bác Liên kể lại câu chuyện mà tổ hòa giải bác đã gặp. Vốn là nhà bà Hoa (nhân vật đã đổi tên) sinh ra đủ nếp đủ tẻ. Các con trai, con gái đã trưởng thành, bà có đất và cũng đã chia đều cho các con. Nhưng vốn cẩn thận, phòng xa và cũng tính để dưỡng già, bà để lại chút ít đất phòng thân. Đất chia cho các con bà Hoa đều tính toán để có lối đi ra vào cho cả hai nhà. Nhưng không hiểu sao khi cậu con trai cắt đất bán lại bán luôn khoảng không vốn làm lối đi cho nhà chị gái. Khi biết được chuyện ấy, bà Hoa nhất quyết đòi cậu con trai số đất bà đã để lại để đòi “công bằng” cho cô con gái.
“Câu chuyện cũng không có gì, nó chỉ là chuyện nhất bên trọng, nhất bên khinh. Mặc dù cậu con trai cũng không láo, không xử tệ với mẹ, nhưng bởi thương cô con gái đơn thân nên cái gì bà cũng dành cho cô phần hơn. Việc càng căng thẳng khi cậu con trai không đủ khéo léo khiến bà ngày này sang tháng nọ mang đơn lên phường… kiện con trai”, bác Liên kể.
Sau khi phân tích về luật không xong, các bác bền bỉ quay sang phân tích, khơi dậy tình cảm mẫu tử, ruột thịt giữa đôi bên. Trong công tác hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, nếu hòa giải không khéo vô hình chung sẽ đào sâu mâu thuẫn giữa mẹ và con, anh và em. Thế rồi câu chuyện cũng êm xuôi. Gia đình nhà cậu con trai dù thế cũng không tệ bạc với mẹ. Còn cô con gái cũng vì sự yêu thương của mẹ mà có hiếu với mẹ hơn…
Với bác Liên, mỗi sự vụ hòa giải là một câu chuyện. Có những chuyện buồn, nhưng cũng không hiếm những chuyện… vui. Tham gia công tác hòa giải cơ sở được hơn 30 năm, bác Liên là hòa giải viên có uy tín trong cộng đồng và là chiếc cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với người dân. Bác Liên luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào việc ổn định chính trị, tư tưởng, trật tự trị an ở khu dân cư, xây dựng tổ dân phố số 10 luôn là tổ phát triển kinh tế, ổn định về chính trị, nhiều năm liền đạt tổ dân phố văn hóa, được UBND quận Tây Hồ khen thưởng.
Nói chuyện cùng chúng tôi, bác Liên chia sẻ: Giữ vững đoàn kết ở tổ dân phố là một điều vô cùng quan trọng; cuộc sống ổn định, bình yên thì đời sống tinh thần cũng như kinh tế - xã hội mới được phát triển tốt. Muốn đạt được điều đó công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò rất quan trọng; vì vậy tôi mong muốn có những giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho tổ hòa giải cơ sở, để hoạt động hòa giải ở cở sở thực sự là cầu nối gắn tình đoàn kết, gắn “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn có nhau” trong cộng đồng dân cư./
TIN LIÊN QUAN