Hà Nội, Thứ 6, 22/11/2024

Mộ danh nhân văn hóa Đoàn Thị Điểm

Chủ nhật, 24/09/2023 | 15:35 | Lượt xem: 1,555

 

GIỚI THIỆU

Mộ danh nhân Đoàn Thị Điểm thuộc cụm 7 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Bà Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, con ông Đoàn Doãn Nghi, quê ở thôn Trung Phú tục gọi là làng Giữa, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, mẹ bà là con gái Thái lĩnh bá họ Vũ, phường Hà Khẩu nay là phường Hàng Buồm, Hà Nội.
Từ nhỏ bà Điểm đã nổi tiếng hay chữ và có tài đối đáp, kho tàng truyện dân gian Thăng Long còn để lại nhiều giai thoại minh chứng tài đối đáp thông minh, hóm hỉnh của bà qua việc tiếp xúc với sứ Tàu, với Trạng Quỳnh, với danh sĩ Đặng Trần Côn, Tiến sĩ Nhữ Đình Toản, Tiến sĩ Nguyễn Công Thái…
Bà Điểm chẳng những là người có tài văn thơ mà còn là người “dung sắc kiều lệ, cử chỉ đoan trang, lời nói văn hoa, hành vi lịch thiệp” nên tiếng đồn dậy khắp kinh thành và các trấn. Đồng thời bà cũng là người nội trợ tài hoa từ việc thêu thùa đến việc bếp núc đều khéo léo. Khi bà Điểm giúp anh trai tiếp khách tuy rau muối mà còn hơn cả chân tu. Chẳng mấy ngày không có khách dập dìu mượn cớ đến thăm anh để nhòm ngó người đẹp. Bà thường cùng cha, anh ngâm vịnh thơ, đối khẩu. Hồi còn nhỏ, một hôm đang đàm đạo sách Bắc sử, ông Luân ra một câu đối rằng:
“Bạch xà đương đạo, bạt kiếm nhi trảm chi”
Nghĩa rằng: Rắn trắng cản đường, tuốt gươm ra chém.
Bà Điểm không cần suy nghĩ bèn đối luôn:
“Hoàng long phụ chu, ngưỡng thiên chi thán viết”
Nghĩa là: Rồng vàng đội thuyền, ngửa mặt mà than.
Hai câu này đều lấy nguyên văn trong sách Bắc Sử mà đối chọi nhau từng chữ một, ông Luân anh trai của bà phải khen, phục tài bà Điểm.
Bà Điểm còn là người rất giỏi về nữ công. Có một thời gian bà được triệu vào Phủ chúa Trịnh làm Cung trung Giáo tập dạy các cung nữ học. Bà được chúa Trịnh ban thêm cho chữ “Ngọc” đệm tên thành Đoàn Thị Ngọc Điểm nhưng vì nể sợ uy quyền của Chúa mà nhận chữ ấy chứ trong sách vở bà vẫn ký tên là Đoàn Thị Điểm.
Một lần Đặng Trần Côn vì hâm mộ tài thơ của bà Điểm, ông làm một bài thơ xin ra mắt bà, bà xem xong cười và cầm bút phê vào bài thơ: “Tiểu sinh bất túc luận dã” (Học trò này không đáng để bàn luận). Đặng Trần Côn hổ thẹn về nhà dốc sức học hành sau này trở thành danh nhân nổi tiếng.
Hồi bà ở xã Chương Dương (gần kinh kỳ) đã xảy ra một việc, nhờ nhanh trí khôn ngoan đã thoát hiểm: Trước kia có người cậu ruột của chúa Trịnh Giang nhiều lần nhờ mối lái đưa lễ đến hỏi bà về làm vợ lẽ nhưng bà nhất định từ chối không nhận lễ. Nghe tin bà về gần kinh kỳ, người này vẫn thân hành đem lính tráng khiêng lõng vọng quyết đón bà về phủ ở Thăng Long. Hôm ấy bà đang dạy học, có cậu học trò nhỏ ra cửa thấy đoàn người ấy đi sắp tới chạy vào nói cho bà biết. Bà hiểu ngay người kia định dùng uy thế chúa Trịnh bắt hiếp mình liền căn dặn học trò cứ ngồi học tự nhiên, không được ồn ào, mất trật tự, hễ người ta hỏi thì nói bà đi bốc thuốc từ sáng chưa về. Bà liền chạy vào trong nhà trút bỏ bộ váy áo đương mặc rồi lấy bùn đất trát vào hai tay chân đều lấm bùn, đầu chít khăn vuông đội nón cũ, tay cầm gầu tát nước đàng hoàng bước ra cửa nhưng không ai biết người thợ cấy kia chính là bà Điểm, cả đám học trò kia cũng không nhận ra. Bà đi tắt cánh đồng trốn sang làng khác, người cậu ruột của Trịnh Giang sục sạo khắp nhà và các nhà lân cận không thấy bà đâu đành phải ra về. Về sau biết rõ bà có khí tiết không chịu làm lẽ, không ham phú quý nên rất khâm phục bà, không dám giở quyền thế ra ép bà nữa.
Bà Điểm là người phụ nữ nhiều tài năng nhưng cuộc đời khá gian truân. Năm bà 25 tuổi thì cha mất, bà ở với mẹ và anh dạy học để nuôi mẹ đỡ anh, được ít lâu anh lại mất để lại đàn con nhỏ, bà phải vừa dạy học, vừa bốc thuốc để nuôi mẹ và giúp chị dâu nuôi dạy các cháu. Học trò theo học khá đông nhiều người thành đạt trong đó có Đào Duy Doãn đỗ tiến sĩ, cháu gái bà là Đoàn Lê Khương do bà trực tiếp dạy bảo sau cũng trở thành nữ sĩ có tên tuổi ở kinh kỳ.
Tài sắc thế nhưng đường duyên phận lại rất muộn mằn. Năm bà 37 tuổi, có ông Nguyễn Kiều đến giạm hỏi. Ông Kiều người làng Phú Xá sinh năm 1695, đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi khoa thi Ất Mùi thời Lê Vĩnh Thịnh lần thứ 11 (1715). Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông làm Đô Ngự sử được phong tước Bá, ông cùng Nguyễn Tông Khuê đỗ Hoàng giáp năm 1721 viết chung tập thơ Sứ hoa tùng vịnh. Ông lại cùng Vũ Khâm Lân đỗ Tiến sĩ năm 1727 viết về kinh dịch. Ông là người tài cao, tuổi trẻ lại sớm đỗ đại khoa nên Nguyễn Kiều được nhiều nhà quyền quý hứa gả con hoặc cháu gái. Vợ thứ nhất là Lê Thị Hằng, là con gái của Lê Anh Tuấn. Người vợ này mất sớm và không có con. Người vợ kế là cô Đóa sinh được hai người con trai và một người con gái rồi cũng qua đời vào lúc mới ngoài 20 tuổi. Bấy giờ ông góa vợ đã kén chọn nhiều nơi nhưng không được người xứng đáng nên ông chọn bà Điểm để giạm hỏi, bà Điểm đã từ chối nhiều lần, lấy cớ là lớn tuổi, bà không muốn lấy chồng mà ở nhà nuôi mẹ. Ông Kiều vật nài rất khẩn thiết, bà mẹ cùng trò khuyên giải mãi bà mới chịu nhận lời kết hôn làm kế thất ông Kiều. Bà sum họp cùng ông Kiều được mấy tháng thì đến năm Nhâm Tuất (1742) ông Kiều phải đi sứ nhà Thanh, ông làm chánh sứ cầm đầu phái đoàn có trọng trách đi ứng đối với một cường lân xưa nay thường hay bắt bẻ và kiếm cớ để gây chuyện, ông phải lo làm tròn nhiệm vụ của mình mà không làm nhục quốc thể dù phải hy sinh tính mạng cũng không nề hà. Chính trong thời kỳ này bà phải sống trong cảnh quạnh hiu, cám cảnh cô đơn của người đàn bà có chồng đi sứ không khác gì ra trận, cái chết cầm chắc trong tay. Giữa lúc ấy bà nhận được bản “Chinh phụ ngâm” bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn chép tay gửi đến. Bà đọc đi, đọc lại cảm phục văn tài của họ Đặng, bà liền cảm hứng dịch ra Việt văn lời lẽ lâm ly, hùng tráng và đầy cảm khái não nùng.
Ba năm sau khi ông Kiều đi sứ nhà Thanh về, ông được xem bản dịch “Chinh phụ ngâm” của vợ, ông rất phục tài văn nôm của bà. Hai vợ chồng thường hay ngâm vịnh xướng họa thơ ca rất tương đắc. Ông Kiều sum họp với bà Điểm được ba năm, vào năm 1748 ông được thăng chức Tham trị vào trấn Nghệ An, ông đem cả gia đình cùng đi. Một hôm thuyền đến phố Cát, bà bảo dừng lại lên lễ đền Sòng - nơi thờ công chúa Liễu Hạnh. Đêm ấy bà Điểm ngủ dưới thuyền đậu ở phố Cát, không may bà bị cảm lạnh nhưng vẫn gắng gượng cho chồng an tâm, không ngờ bệnh ngày một nặng thêm. Ông Kiều hết sức tìm thầy chữa trị cho bà nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Bà đã từ trần vào ngày 11 tháng 9 năm Mậu Thìn (1748) hưởng thọ 44 tuổi, thi hài được đưa về an táng tại quê chồng ở thôn Phú Xá, xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ).
Bà Đoàn Thị Điểm là một nữ sĩ đã làm vẻ vang cho nền thơ ca tiếng Việt đồng thời cũng là tấm gương sáng về người phụ nữ trung hậu, đảm đang. Nói đến nữ sĩ Hồng Hà Đoàn Thị Điểm không thể không nói đến dịch giả cuốn “Chinh phụ ngâm” - tác phẩm được viết bằng chữ Hán cổ, để cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội dễ hiểu, dễ cảm nhận. Đã có khá nhiều nho sĩ đua nhau dịch ra văn nôm nhưng thành công hơn cả là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Bà đã lột tả hết được nội dung chính của cuốn “Chinh phụ ngâm”, đã nói lên tình cảm của người phụ nữ (cũng là tâm trạng của bà Điểm có chồng đi chinh chiến để bảo vệ ngai vàng của vua chúa). Tác phẩm ra đời đã gây một tiếng vang lớn trong nền văn học cuối thế kỷ XVIII. Kiệt tác “Chinh phụ ngâm” đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một khối lượng và chất lượng thi ca trữ tình nổi tiếng. “Chinh phụ ngâm” là một tác phẩm trữ tình miêu tả toàn bộ tâm trạng của người chinh phụ trong thời gian có chồng đi chinh chiến, diễn tả nỗi niềm nhớ nhung, lo lắng, ước mơ, oán trách… nhưng nổi bật là nỗi buồn sầu đau triền miên vì hạnh phúc lứa đôi của tuổi xuân bị cách trở, song cũng có lúc lạc quan hy vọng vào công danh của người chồng. Vấn đề cốt lõi của tác phẩm “Chinh phụ ngâm” vẫn là tiếng nói lên án chiến tranh phong kiến vô nghĩa, đòi quyền sống cho con người. Tác phẩm rất thành công trong việc gợi tả những tâm trạng chân thực phong phú, sinh động trong khung cảnh không gian và thời gian cụ thể. Dịch giả đã dày công sử dụng thể thơ song thất lục bát khi chuyển dịch, nguyên tắc âm điệu hòa nhập với nỗi buồn triền miên của người chinh phụ, sử dụng ngôn ngữ tinh tế, nghệ thuật tả tình, tả cảnh cùng hòa quyện một cách hài hòa.
Có thể nói cùng với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, bản dịch “Chinh phụ ngâm” là một chuẩn mực trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc và tinh hoa văn học nước ngoài, mãi mãi xứng đáng để các thế hệ noi gương và học tập. “Chinh phụ ngâm” với nghệ thuật diễn dịch của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã đưa tác phẩm đến đỉnh điểm của thơ ca trữ tình (thế kỷ XVIII), là tinh hoa của sản phẩm văn hóa tinh thần, chiếm vị trí đặc biệt trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà. Ngày nay, di sản văn hóa đó đã trở thành chương trình văn học trong nền giáo dục ở nước ta.
Lăng mộ Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm được đặt tại cánh đồng làng Xù. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết ngôi mộ từ trước tới nay vẫn được định vị tại vị trí đó. Lăng mộ có mặt cắt gần vuông theo hướng Tây Nam, ba phía được xây tường hoa xi măng cao 0,80m, lăng mộ trước đây có diện tích, không gian rộng rãi nhưng nay do quy hoạch xây dựng, cắm đất xây dựng của xí nghiệp Bao bì xuất khẩu nên khu mộ bị thu hẹp nhỏ: mộ nằm sát đường đi chiều dài 4m, chiều rộng 3m. Phía trên trước mộ có đề dòng chữ quốc ngữ: Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chi mộ. Mộ xây trên nền nổi cao 0,6m vươn lên tầm cao khoảng 4,5m, phía trên lăng mộ xây kiểu đầu hồi bít đốc, tay ngai, bờ nóc trát vữa xi măng men theo bồn bờ dải, hai đầu tạo thành bốn mái, mái lợp ngói ống hình chữ nhật kích thước 15cm x 7cm màu hồng đỏ. Xung quanh diềm mái trát gờ nổi chạy bao quanh, bên trong mộ xây nổi cao 22cm, dài 1,8m, rộng 1,07m. Phía trên trước mộ đặt tấm bia đá cao 1,3m, rộng 60cm, dày 13cm; trên mặt bia ghi bằng hai loại chữ: bên phải ghi bằng chữ Quốc ngữ, bên trái ghi bằng chữ Hán cổ.
Việc giữ gìn, bảo vệ lăng mộ là thể hiện trân trọng đối với các danh nhân văn hóa, phù hợp với đạo lý: uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Hiện nay, một số danh nhân của Hà Nội đã được xếp hạng gìn giữ, phát huy tác dụng: Lăng mộ Nguyễn Văn Siêu, Đặng Trần Côn, Ngô Thì Nhậm, Chu Văn An… Đặc biệt hơn đó là lăng mộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng đóng góp cho sự nghiệp văn chương nước nhà, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Ngày 07/02/2002, UBND thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 1188/QĐ-UB về việc xếp hạng di tích lịch sử danh nhân mộ Bà Đoàn Thị Điểm.

TIN LIÊN QUAN

BÌNH CHỌN

Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ Một Cửa?