Hà Nội, Chủ nhật, 28/04/2024

Nét đẹp văn hóa trong các lễ hội đình làng trên địa bàn quận Tây Hồ

Thứ 3, 19/03/2024 | 23:10 | Lượt xem: 585
Với ước vọng cầu cho “Quốc thái, dân an”, lễ hội đình Phú Xá, Nhật Tân, Yên Phụ, Quảng An đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày xuân của người dân trên địa bàn quận Tây Hồ.

Quận Tây Hồ có 4 phường đều tổ chức lễ hội đình làng từ ngày 08/2 đến ngày 11/2 âm lịch hàng năm, đó là đình làng Phú Xá, phường Phú Thượng, đình làng Nhật Tân, phường Nhật Tân, đình làng Yên Phụ, phường Yên Phụ và đình Quảng Bá, phường Quảng An. Lễ hội là dịp hun đúc tinh thần yêu nước của nhân dân, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của làng.

Lễ khai hội Đình làng Nhật Tân

Đình Phú Xá hay còn gọi là Tụy lạc đình, nằm ở trung tâm của làng Phú Xá, phường Phú Thượng. Đây là nơi thờ Nhị vị Đại vương: Hiển Huệ và Báo Hỷ - hai vị nhân thần đã hóa tại gềnh Sù nhưng rất linh ứng, giúp dân hộ quốc nên được dân làng lập đền thờ, tôn làm Thành Hoàng làng. Ngoài ra, nơi đây còn thờ Phó Tể tướng Nguyễn Kiều (1695 - 1752), người có công xây dựng đình.

Lễ rước nước tại Đình làng Phú Gia

Đình Nhật Tân nằm sát đê sông Hồng, phía trái đường Âu Cơ, phường Nhật Tân. Đình Nhật Tân xưa được gọi là điện Nhật Chiêu, đến triều vua Khải Định đổi thành Nhật Tân. Đình thờ đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang (Uy Linh Lang) là con bà Chính Cung Minh Đức Hoàng Hậu, Uy Linh Lang là người nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn, xa gần đều biết tiếng.

Nghi thức tế lễ trang nghiêm tại lễ khai hội

Đình Yên Phụ nằm trên một bán đảo nhỏ nhô ra hồ Tây, thuộc địa phận làng Yên Phụ, phường Yên Phụ. Đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ, độc đáo của Hà Nội với lối nhà dọc, mặt đình quay về hướng Bắc. Ngôi đình trải dài theo thế đất tạo nên chiều sâu cần thiết và vẻ thâm nghiêm, tao nhã của một di tích tín ngưỡng truyền thống. Cổng đình được xây theo kiểu tứ trụ. Qua cổng, là sân đình khá rộng, hai bên hai dãy nhà dải vũ, tiếp đến là đại đình được xây theo kiểu chữ đinh. Đình có năm gian đại đình và năm gian hậu cung. Đình làm theo lối nhà dọc nên cũng thờ dọc. Đình Yên Phụ thờ Đức Thánh Uy Đô Linh Lang Đại Vương cùng 2 em của Ngài là Vương Duy Đại Vương và Vương Ba Đại Vương. Các ngài là chính phái của họ Hồng Bàng, tông thứ hai của Bách Việt.

Nghi thức tế lễ trang nghiêm tại lễ khai hội

Cả hai đình Nhật Tân và Yên Phụ đều thờ Đức Đại vương Uy Linh Lang, là vị hoàng tử, con trai của vua Trần Thánh Tông. Ngài là vị anh hùng của dân tộc, đã có công lao lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thời nhà Trần.

Chương trình hát dân ca quan họ trên hồ Ao Vả tại hội Đình  làngYên Phụ

Đình làng Quảng Bá, phường Quảng An thờ vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng (tức Bố Cái Đại Vương). Cuối thế kỷ thứ 8, Ngài đã đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường phương Bắc, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Hằng năm, dân làng Quảng Bá tổ chức lễ hội truyền thống vào các ngày mùng 10, 11, 12 tháng 2 (trong đó, ngày 11 là chính hội) và ngày mùng 9, 10 tháng 8 âm lịch để tưởng nhớ công lao to lớn của Ngài.

Đánh cờ người tại Lễ hội đình làng Nhật Tân

Trong việc tổ chức lễ hội, mỗi nơi đều có những nét đặc sắc mang đậm dấu ấn riêng của người dân từng địa phương nhưng tựu chung lại những lễ hội trên đều mang ý nghĩa biểu thị lòng tôn kính và biết ơn tới các vị Thành Hoàng làng, những người có công xây dựng, phát triển và tạo dựng quê hương.

Đây cũng là dịp để tôn vinh vẻ đẹp biểu tượng của đình làng và là dịp hội tụ những người con quê hương, đón những người con xa xứ trở về, giáo dục các thế hệ sau biết trân trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc, một lòng xây dựng quê hương.

Hôi thị "Tiếng hót chim vành khuyên" tại lễ hội Đình làng Yên Phụ

Năm nay, lễ hội các đình làng diễn ra từ ngày 17/3/2024 đến ngày 20/3/2024. Các lễ hội được tổ chức với không khí vui tươi, sôi nổi gồm nhiều hoạt động như: lễ hội rước nước Đình làng Phú Xá; Đình Yên Phụ tổ chức hội thi “Tiếng hót chim vành khuyên” và chương trình dân ca quan họ trên hồ Ao Vả; hát chèo và đánh cờ người tại đình làng Nhật Tân…

Người dân dâng lễ tại Hội đình làng

Lễ hội tại các đình làng đã thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn quận và từ các địa phương. Ngay từ sáng sớm, các cụ cao niên trong làng đã sửa soạn áo mũ, khăn, đai chuẩn bị cho nghi thức tế trang nghiêm của các bô lão. Theo lệ cũ, màn rước kiệu để thỉnh nước về làm lễ Mộc dục (tắm tượng) được tổ chức 3 năm 1 lần.

 Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống, Ban Tổ chức lễ hội tổ chức vinh danh những giáo viên, học sinh có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và vinh danh các nghệ nhân, lao động giỏi của làng.

 

Trung tâm VH-TT & TT Tây Hồ

TIN LIÊN QUAN

BÌNH CHỌN

Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ Một Cửa?