Hà Nội, Thứ 7, 05/10/2024

Nhà thờ họ Đỗ

Chủ nhật, 24/09/2023 | 15:32 | Lượt xem: 1,831

 

GIỚI THIỆU

Nhà thờ họ Đỗ là một công trình kiến trúc tín ngưỡng, nơi phụng thờ của gia tộc họ Đỗ phường Nhật Tân. Bản dịch gia phả của dòng họ cho biết, họ Đỗ đến sinh cơ lập nghiệp tại Nhật Tân được khoảng 300 năm, song hiện nay chưa tìm thấy tư liệu nào ghi rõ năm xây dựng nhà thờ họ Đỗ. Theo lời kể của các cụ cao niên trong dòng họ cùng hệ thống di vật còn bảo lưu như bia đã, gia phả... theo tấm bia sớm nhất được dựng vào thời Tự Đức vạn vạn niên (1848) hiện còn tại đây có thể đoán định di tích được khởi dựng trước thời điểm năm 1848. Những năm 60 của thế kỷ XX, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong trào diệt giặc đói, giặc dốt, nhà thờ họ Đỗ được sử dụng làm lớp bình dân học vụ của Nhật Tân sau đó di tích bị xuống cấp nặng. Năm 2010 – 2011, con cháu trong dòng họ đã chung tay hưng công trùng tu, tôn tạo lại di tích, xây thêm hạng mục nhà bia, nhà khách. Như vậy, kiểu thức kiến trúc hiện tồn là của lần trùng tu ở những năm gần đây.
Khảo sát thực địa cho thấy, phường Nhật Tân ngày nay có các họ lớn như: họ Nguyễn, họ Đỗ, họ Trần, họ Chu, họ Vũ. Trong các lớp dân cư đến tụ cư sinh sống tại đây có dòng họ Đỗ đến Nhật Tân tính đến nay có khoảng 18 đời với 6 nhánh (chi). Có thể nói dòng họ Đỗ tại phường Nhật Tân là một dòng họ có nhiều người công danh hiển đạt và từng giữ các chức vụ trong triều, ngoài trấn đặc biệt là cụ tổ Đỗ Phúc Nghiêm, thuộc ngạch quan lại, xếp hàng quan văn và cụ Đỗ Phúc Thắng với tước hiệu Mậu Lâm Ấn Quang Hiệu Điện Thiếu Khanh. Sự thành đạt trên quan trường của các vị tiên tổ của dòng họ tuy không có gì nổi bật ghi trong sử sách nhưng cụ tổ cùng với 6 người con trai đều được phong tước hiệu. Noi gương của tổ tiên, con cháu của họ Đỗ luôn lấy việc tu tề làm quy luật (dưỡng đạo đức), lấy việc thành kính phụng sự tổ tiên. Ngày nay, dòng họ đã xây dựng được quy chế quản lý và văn hóa riêng của dòng họ cho thấy đây là một dòng họ có nề nếp gia phong, đoàn kết, dân chủ mà không phải dòng họ nào cũng có được. Các thế hệ con cháu của họ Đỗ đã góp phần giữ gìn, xây dựng quê hương Nhật Tân trở nên giàu đẹp. Với những đóng góp của dòng họ Đỗ xứng đáng được trân trọng, tưởng nhớ và vinh danh.
Nhà thờ họ Đỗ tọa lạc trong khu vực cư trú của cụm dân cư số 4, nhìn theo hướng Bắc ghé Đông với tổng diện tích là 906,7m2. Khuôn viên của nhà thờ họ tương đối rộng rãi. Mặt bằng chính được kết cấu theo kiểu chữ Nhất gồm từ đường, nhà bia, nhà khách, nhà soạn lễ, cổng, khoảng sân rộng và vườn.
Cổng được xây kiểu bốn mái đao cong, giữa bờ nóc trang trí hình ảnh bình nước cam lồ, hai đầu bờ mái đắp hình tượng rồng, đầu đao là hình tượng rồng lá cách điệu được uốn cong. Phía trên cổng ghi dòng chữ Hán “Đỗ Tộc Từ Đường”.
Từ đường (Nhà thờ chính)
Qua khoảng sân lát gạch vuông đỏ là Từ đường, đây là nơi tôn nghiêm nhất, nơi đặt bài vị của các vị tổ tiên. Công trình này mới được dòng họ tu sử năm 2010 – 2011, gồm ba gian, hai dĩ với tổng chiều dài 10,8m được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, tay ngai trụ biểu, mái lợp ngói ta.
Nhà bia nằm sát bên hữu của từ đường, gồm 3 gian xây bê tông, kiểu tường hồi bít đốc. Bên trong là các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “chồng rường, bẩy hiên” trên hai hàng chân cột. Phần tường hồi của hạng mục này là nơi đặt tám tấm bia đá thời Nguyễn.
Nhà khách là hạng mục phụ trợ, được xây gạch chỉ để trơn không chát vữa.
Nhà sắp lễ nằm sát nhà khách, là nơi sắp lễ, phục vụ việc khánh tiết của dòng họ.
Nhà thờ họ Đỗ còn bảo lưu được khá nhiều di vật quý, trong đó phải kể đến hệ thống hoành phi, câu đối, tám tấm bia đá có niên đại thời Nguyễn… Đây là những di vật quý góp phần tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa cho di tích.
Qua nội dung tấm bia này thấy được các lần trùng tu nhà thờ, lai lịch gia tiên họ Đỗ. Tấm bia Tế điện bi ký đã ghi lại các lần phong tước hiệu cho gia tiên họ Đỗ.
Như vậy, chứng tỏ dòng họ Đỗ trong lịch sử dân tộc là một dòng họ khoa bảng làm quan nổi tiếng, đúng như trong bia đá đã ghi.
Bên cạnh giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, nhà thờ họ Đỗ còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng cho nhân dân và đặc biệt cho các thế hệ con em trong họ. Noi gương tổ tiên, dòng họ ngày nay đã có nhiều người phấn đấu học hành và đỗ đạt, thể hiện giá trị về đạo lý, về văn hóa và tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên, gia tộc; thấy được truyền thống công danh hiển đạt của của một dòng họ để học tập, noi gương.
Nhà thờ họ Đỗ được Thành phố xếp hạng là di tích lịch sử - lưu niệm danh nhân tại Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 01/02/2016./.

TIN LIÊN QUAN

BÌNH CHỌN

Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ Một Cửa?