GIỚI THIỆU
Nhà thờ được xây ba gian, có hàng hiên rộng, các kẻ hiên cong trang trí lá lật được chạm nổi, các cột hiên bằng gỗ tròn. Nhà xây hai trụ hiên ở hai đầu với dạng tường hồi bít đốc, bờ nóc thẳng, có hai dấu nắm cơm. Trụ hiện xây đế trái giành, mảng nổi trụ ở hai đầu hồi được đắp nổi. Từ hiên vào: cửa làm cánh bức bàn, trên cao mé hiên đắp ba bức đại tự tương ứng với từng gian.
Nhà tiền đường xây hai trụ vuông đỡ mái trên các trụ đắp câu đối. Giữa tiền đường xây một bệ gạch cao làm nơi ngồi lễ. Hai cửa vào hậu cung xây hình cuốn, đắp nổi cuốn thư có chữ Hán. Hai bên cửa có hai câu đối, hai cửa này để trống không có cánh. Bệ thờ xây ở gian ngoài chăng một y môn, bằng vải thêu rồng chầu và vân mây.
Gian bên xây bệ, trên có đặt các tấm bia đá:
Hội giáp bi ký tạc năm Bảo Đại thứ 6 (1931).
Ký kỵ bi ký tạo năm Bảo Đại thứ 3 (1928).
Kỷ niệm hậu bi ký tạo năm Bảo Đại thứ 3 (1928).
Trong cung thờ dọc nối tiền đường, bệ thờ xây xuông ở chính giữa phía trên đặt long ngai bài vị. Bài vị hình lá đề chạm rồng, xung quanh lá đề và vân lá cách điệu có niên đại thế kỷ XIX.
Nhà thờ họ Trần tuy nhỏ nhưng kiến trúc khá tinh tế. Những câu đối, đại tự ở đây phần nào thể hiện được gia phong và gốc tích của dòng họ:
Tiền Nguyễn hậu Trần gia phong thịnh
Tổ tông tích đức vạn đại hanh.
Nghĩa là:
Trước họ Nguyễn sau họ Trần gia phong thịnh đạt
Tổ tông tích công đức muôn thủa hanh thông
Tổ triệu tông bồi thiên thu nhân mạch hậu
Tử thừa tôn kế vạn thế nghĩa môn xương
Nghĩa là:
Tổ mở tông bồi ngàn năm nhân mạch hậu
Con thừa cháu kế vạn đại nghĩa môn hung
Còn bức đại tự đề: Nhân vi bản
Nghĩa là:
Nhân là gốc
…
Thế mới biết tông chỉ của dòng họ Trần cốt lấy nhân nghĩa làm gốc để khuyên con cháu làm điều thiện. Nhà thờ họ Trần cũng giữa được nhiều bia hậu kỵ. Đây là bằng chứng những năm trùng tu nhà thờ họ.
TIN LIÊN QUAN