Tham gia Hội đồng đánh giá nghiệm thu đề án có TS. Lê Văn Hoạt – nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm chương trình CT02 – Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS Ngô Doãn Vịnh – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ nhiệm chương trình CT02; TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; PGS. TS Phạm Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội; PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc Dân; Ths. Lê Đặng Linh Chi – Chuyên viên Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội và các đại biểu khách mời Sở Du lịch thành phố Hà Nội…
Quang cảnh hội nghị
Hồ Tây không chỉ có ý nghĩa về du lịch, cảnh quan, giải trí cho người dân Thủ đô và khách du lịch trong nước, quốc tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về cân bằng sinh thái, được ví như “lá phổi xanh” của Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay giá trị về đa dạng sinh học đang bị suy giảm; công tác quản lý, khai thác Hồ Tây trong thời gian dài không có đầu mối thống nhất; những hạn chế trong công tác quy hoạch, thu hút đầu tư hay việc thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng và hấp dẫn, sự quan tâm và ý thức của các chủ thể tham gia kinh doanh du lịch… đã khiến cho hoạt động du lịch trên địa bàn phát triển manh mún, chưa có sự kết nối, chưa theo định hướng, chưa đảm bảo các mục tiêu về phát triển bền vững. Trong khi đó, Hồ Tây và khu vực phụ cận đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển du lịch của Thủ đô.
Để có cơ sở đầu tư, quản lý, khai thác, phát triển du lịch không gian Hồ Tây, không gian ven hồ và các vùng phụ cận được đồng bộ, hài hoà giữa lợi ích phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng gắn với bảo tồn giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, Đề án “Giải pháp tổng thể phát triển bền vững du lịch Hồ Tây” là nhiệm vụ cấp thiết và cần ưu tiên triển khai thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Việc triển khai Đề án góp phần cụ thể hoá chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội đối với quận Tây Hồ trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để phát huy các lợi thế, tiềm năng của địa phương, khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội của quận.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, trung ương và thành phố đã nhìn nhận Hồ Tây là nơi cần được bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị.
Nghị quyết ĐH Đảng bộ của Quận từ khoá I đến nay đã luôn xác định: phát tiển kinh tế dịch vụ - du lịch, trong đó lấy Hồ Tây là nền tảng trọng yếu, vấn đề xuyên suốt và mục tiêu của quận. Đến thời điểm hiện nay, trong tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của quận, dịch vụ du lịch chiếm 67,8%, giá trị du lịch chiếm 48,6%.
Hiện nay, Hồ Tây được xác định là điểm đến của quá khứ, hiện tại và tương lai, là trung tâm chính trị của thành phố Hà Nội. Hồ Tây là tâm điểm, giao điểm của 5 trục không gian của thành phố Hà Nội: trục Tây Hồ - Cổ Loa; Hồ Tây - Ba Vì; trục sông Hồng; trục Nhật Tân – Nội Bài và trục Bắc - Nam. Khu vực phụ cận xung quanh Hồ Tây có nhiều di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng: Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, nhà bà Hai Vẽ, nhà cụ An…
“Hồ Tây sẽ là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, là trung tâm du lịch tiêu biểu của Thủ đô, lấy nền tảng của môi trường, văn hoá di sản, nền tảng làm bệ đỡ để tổ chức thực hiện. Người dân được tiếp cận gần nhất với mặt nước Hồ Tây, hoạt động dịch vụ phải hướng đến cộng đồng…” – Phó Chủ tịch UBND quận nhấn mạnh.
Bên cạnh đó đồng chí cũng thông tin đến Hội đồng những công trình sẽ khởi công trong thời gian tới: nhà khách TW Đảng 43 Đặng Thai Mai, đường Đặng Thai Mai, nhà hát Ngọc Trai – điểm nhấn về không gian kiến trúc và các hạng mục cũng như sắp tới quận sẽ khôi phục “bát cảnh Hồ Tây”, khôi phục 5 công viên chuyên đề để phục vụ người dân…
Vì vậy, Đề án với mục tiêu cụ thể là đánh giá tiềm năng phát triển du lịch hồ Tây theo hướng bền vững, qua đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp tổng thể phát triển bền vững du lịch hồ Tây đến năm 2030 là một Đề án có tính hiện thực cao, được lãnh đạo quận Tây Hồ ấp ủ với nhiều kỳ vọng trong tương lai.
PGS. TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội nhận xét về Đề án
PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc Dân nhận xét góp ý về Đề án
Tại hội nghị, Hội đồng đánh giá cấp thành phố đã nhất trí thông qua Đề án, đồng thời đóng góp ý kiến để Đề án được hoàn chỉnh hơn: cần nêu rõ hơn giải pháp công nghệ, người chủ trì, người phối hợp; chỉ rõ cách thức thực hiện các giải pháp, nêu cụ thể chi tiết thời gian thực hiện đối với từng giải pháp, điều chỉnh lại việc phân công cho Sở LĐTB&XH…
Kế luận tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng, TS. Lê Văn Hoạt đánh giá cao và bày tỏ niềm tin vào sự thành công của Đề án. Theo ông, đây là Đề án có tính tổng hợp lớn, cấp thiết và thực tiễn cao; về cơ bản Đề án đã bám sát đề cương, đúng hướng, triển khai các nội dung đáp ứng yêu cầu.
TS. Lê Văn Hoạt Hoạt – nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm chương trình CT02 – Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án kết luận tại hội nghị
TS. Lê Văn Hoạt cũng đề nghị một số nội dung cần chỉnh sửa để hoàn thiện Đề án: bám sát trọng tâm thực hiện của Đề án một cách nhất quán, logic về các giải pháp tổng thể phát triển bền vững du lịch Hồ Tây: khái niệm phát triển du lịch bền vững, hệ thống hoá bộ tiêu chí nhận diện phát triển bền vững, xác định mục tiêu phát triển bền vững du lịch và giải pháp phát triển bền vững du lịch; Chuẩn hoá nội hàm các phạm trù và tên các tiểu mục với nội dung trình bày cho khoa học: loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, không gian du lịch, mô hình du lịch; Phải xác định việc phát triển du lịch thời gian qua đã đúng hướng chưa và Tây Hồ đã ở mức nào trong sự phát triển bền vững ấy?; Cần làm mạch lạc hơn các nội dung nghiên cứu, hạn chế trùng lặp để đảm bảo tính logic; Các giải pháp trình bày cần sâu hơn, cụ thể hơn, có trọng điểm hơn. Nêu các giải pháp về việc tổ chức quản lý và tổ chức thực hiện.
Theo TS. Lê Văn Hoạt, với tầm cỡ Đề án, đề nghị Tây Hồ mạnh dạn đề xuất vốn cụ thể hơn.
Kết thúc hội nghị, Hội đồng nghiệm thu cấp Thành phố thống nhất nghiệm thu đề án đạt loại Khá.
Trung tâm VHTT&TT Tây Hồ
TIN LIÊN QUAN