Hà Nội, Thứ 2, 25/11/2024

Quận Tây Hồ: Tôn vinh di sản, hướng tới trung tâm văn hóa – du lịch

Thứ 5, 21/11/2024 | 16:05 | Lượt xem: 41
Ngày 21/11, quận Tây Hồ tổ chức kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2024); tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quận Tây Hồ năm 2024.

Khung cảnh Lễ kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2024); tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích quận Tây Hồ năm 2024.

Tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Minh Hoàng - Trưởng phòng Nếp sống văn hóa gia đình, Sở VH&TT Hà Nội; đồng chí Nguyễn Lê Hoàng – Phó Bí thư Thường trực Quận uỷ; các đồng chí Uỷ viên Ban thường vụ Quận uỷ; Phó Chủ tịch UBND quận cùng đại điện các phòng, ban của quận Tây Hồ, tổ trưởng dân phố của 08 phường, và đông đảo người dân trên địa bàn quận.

Theo thống kê, hiện nay trên đại bàn hiện có 71 di tích gồm 18 chùa, 20 đình, 33 đền, miếu, am… Trong đó, 42 di tích đã được xếp hạng (24 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 18 di tích xếp hạng cấp Thành phố), còn lại 29 di tích chưa được xếp hạng. Trong đó, có nhiều văn vật có giá trị như 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá…

Cùng với hệ thống di sản giá trị nằm xung quanh Hồ Tây, từ năm 2023 đến nay, quận Tây Hồ đã có 3 di sản được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đó là: Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ, Nghề làm xôi ở phường Phú Thượng, Nghề ướp trà sen ở Quảng An. Dự kiến đầu năm 2025 sẽ tiếp tục được ghi danh nghề trồng đào phường Nhật Tân và lễ hội truyền thống Đình Nhật Tân vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đồng chí Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Quận ủy, HĐND-UBND quận quan tâm, đã đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa. Việc trông coi, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích cũng được các địa phương tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả. Đến nay, về cơ bản, các di tích xuống cấp đều được tu bổ, tôn tạo. Trong quá trình triển khai, các dự án đều được Nhân dân và chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ. Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.

“Kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa năm 2024, khẳng định và tôn vinh giá trị các di sản văn hóa trên mảnh đất cội nguồn giàu truyền thống cách mạng. Đây cũng là một hoạt động ý nghĩa để tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa với cộng đồng, từ đó nâng cao hơn nữa ý thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” – đồng chí Bùi Thị Lan Phương chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận, với tinh thần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trung ương, Thành phố, quận Tây Hồ xác định “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành Trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”. Với mục tiêu định hướng: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa du lịch trên địa bàn quận Tây Hồ. Mục tiêu đó đã được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án cụ thể qua các kỳ Đại hội, với những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt mà trong đó nhiệm vụ “Phát triển toàn diện sự nghiệp văn hóa xã hội; góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân” luôn được Đảng bộ quận quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời với nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn.

Các nghệ sĩ biểu diễn tiết mục hát chầu văn tại buổi lễ.

Trong nhiệm kỳ 2020- 2025, UBND quận Tây Hồ ban hành Kế hoạch về Quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2023 - 2025. Hàng năm, đã ban hành các kế hoạch về công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ; tổ chức rà soát các di tích, đề xuất nội dung nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ. Đặc biệt, năm 2024, UBND quận đã chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin quận, UBND phường Phú Thượng và Quảng An phối hợp thu thập tư liệu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất công nhận: Nghề làm xôi phường Phú Thượng và Nghề ướp trà sen Quảng An (quận Tây Hồ) đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện tiếp tục thực hiện hồ sơ khoa học đề xuất Nghề trồng đào ở Nhật Tân và Lễ hội truyền thống Đình Nhật Tân trình Bộ VHTT&DL ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; hồ sơ xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật Quốc gia - đối với  Đôi rồng đá thành bậc đình Trích Sài thế kỷ thứ 18 thời Lê Trung Hưng…

Tiết mục hầu đồng thể hiện nét đẹp văn hoá trong đời sống tâm linh của người Việt.

Để tiếp tục phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục có những biện pháp sáng tạo thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài nước nhằm phát huy có hiệu quả nguồn di sản hiện có nhưng vẫn bảo tồn được sự uy nghiêm, cổ kính, khang trang; tăng cường kiểm tra, rà soát nắm bắt tình hình thực tế tại các di tích, không để xảy ra vi phạm trong khu vực bảo vệ di tích, tránh gây ấn tượng xấu đối với khách thăm quan trên địa bàn; có các biện pháp để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống của ông cha, trân trọng và phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đồng thời, huy động các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tích cực chủ động tham gia và phát huy vai trò “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch” gắn với việc phát triển hình ảnh du lịch “xanh” vừa văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

“Trong bối cảnh thủ đô Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, việc quận Tây Hồ thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận, sẽ góp phần định vị, đánh dấu thương hiệu du lịch Tây Hồ trên bản đồ du lịch thành phố Hà Nội. Đây cũng là phương thức để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch, nhằm đưa Tây Hồ thực sự trở thành “trung tâm văn hóa, du lịch” của Hà Nội như chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và tâm nguyện của người dân Tây Hồ nói riêng và người dân cả nước nói chung” – Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Bí thư Đảng uỷ phường Bưởi phát biểu tham luận với chủ đề: "Vai trò của cấp uỷ Đảng, chính quyềnn địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn".

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày tham luận với các chủ đề: Vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn; Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống về di sản trong thanh niên, học sinh ở địa phương; và Vai trò của Tiểu Ban QLDT trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại địa phương.

Nhân dịp này, UBND quận Tây Hồ đã tặng giấy khen cho 8 tập thể, 29 cá nhân có thành tích trong công tác quản lý di sản. 

Đồng chí Nguyễn Lê Hoàng - Phó Bí thư thường trực Quận uỷ Tây Hồ tặng giấy khen cho 8 tập thể có thành tích trong công tác quản lý di sản.

Trung tâm VH-TT&TT

TIN LIÊN QUAN

BÌNH CHỌN

Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ Một Cửa?