Hà Nội, Thứ 7, 09/11/2024

Sen Tây Hồ - món quà từ trăm năm

Thứ 4, 31/07/2024 | 21:03 | Lượt xem: 906
Hà Nội những ngày này đang giữa mùa sen. Hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, mạnh mẽ; được nhiều người tôn vinh như quốc hoa, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt.

Cũng từ lâu ở Hà Nội, nhắc đến hoa sen người ta nghĩ ngay đến sen Bách Diệp trồng ở hồ Tây. Giống như một vùng đất dành riêng cho loài hoa này, những bông sen hồ Tây được nuôi dưỡng bởi tinh tuý trời đất nơi “địa linh”, có màu sắc và hương vị đặc biệt. Cùng với sự phát triển của đời sống đô thị, đến hôm nay giống sen quý Tây Hồ cũng đã bén duyên trên nhiều vùng ngoại thành Hà Nội. Nhưng sâu xa trong tiềm thức người Hà Nội, sen vẫn là hình ảnh đẹp gắn với hồ Tây. Vì thế đã từ lâu, nhiều người mong về một Lễ hội Sen Hà Nội ngày nào đó sẽ hiện diện ở những con phố thơ mộng, lãng đãng sương bên bờ hồ Tây lộng gió…

Bách Diệp – tinh hoa trời đất hồ Tây

Sen hồng Bách Diệp – giống sen cổ của đầm Trị, hồ Tây

Mùa sen ở hồ Tây bắt đầu từ tháng 6 kéo dài đến cuối tháng 8 hằng năm. Đây cũng là mùa duy nhất để các nghệ nhân ở Quảng An, Nhật Tân quận Tây Hồ hái sen về ướp chè. Từ tờ mờ sáng, khi trời đất còn nồng vị sương, người làm chè sen đã chèo con thuyền nhỏ ra giữa hồ thu lượm những đóa sen hàm tiếu chúm chím ủ hương suốt đêm. Nắng lên, con thuyền đầy ắp hương thơm và sắc hồng rực rỡ trở về, hứa hẹn một mẻ chè ngậm hương sen nồng đượm…. 

                                    Đấy vàng, đây cũng đồng đen

Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ

                                            (Ca dao)

   Câu ca dao là niềm tự hào của người Hà Nội khi nhắc đến hoa sen hồ Tây, một thứ “đồng đen” còn quý hơn cả vàng. Những bông sen hồ Tây bây giờ quý và hiếm lắm, không khi nào phải mang đến chợ vì luôn có người yêu sen và người mua buôn túc trực ở bờ khi mới tờ mờ sáng, đợi những chiếc thuyền đầu tiên chở những bông hoa còn ướt đẫm sương đêm cập bến là chia nhau mua hết, dù giá thành cao hơn nhiều sen trồng nơi khác…

Thuyền sen về trong nắng sớm

  Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, không sử sách nào ghi chép sen ở hồ Tây có từ bao giờ nhưng Đại Việt sử ký đã nói đến ly cung, biệt điện, tư thất bên cạnh những vạt sen thơm ngát ở các làng ven hồ Tây của các vương hầu, công chúa, quan đại thần triều Lý xây vào đầu thế kỷ 11. Đến đầu thế kỷ 20, Hà Nội còn rất nhiều đầm sen mênh mông như Vọng, khu vực cuối phố Trần Quốc Toản, Liên Trì... Tuy nhiên nói đến sen thì không đâu hơn được sen hồ Tây. Do thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là nguồn nước hồ Tây đã tạo nên giống sen quý ở đây. Sen quý vì bông lớn, khi nở to như hai bàn tay, có trăm cánh (còn được gọi là Bách Diệp), xếp lớp bao bọc lấy nhụy, đài và gạo sen, giữ cho sen một mùi thơm thuần khiết, ngát đượm.

Và chắc có lẽ cũng đã hằng trăm năm, người già ở những làng ven hồ Tây đã có cái thú vui tao nhã là vừa ngồi ngắm trăng thưởng hoa và uống trà hương sen được ướp bằng chính những bông hoa sen Tây Hồ. Hầu như nhà ai ở làng Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ cũng đều dự trữ ở nhà một vài lạng trà sen để đãi khách, bạn hiền vào các dịp lễ tết, cưới hỏi... Trước đây trà sen do chính các nghệ nhân của làng ướp rất công phu, cầu kỳ, vì thế nó quí lắm, mua cũng khó và cũng không biết ai bán mà mua vì người ta chỉ ướp để tặng, biếu nhau thôi.

Trà sen Tây Hồ - món quà từ trăm năm

Trò chuyện với nghệ nhân Ngô Văn Xiêm – người từng mang chè sen phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, được tặng thưởng nhiều Bằng khen cho thương hiệu Chè sen Quảng An – tinh hoa chè Việt…. mới biết nghề hái sen ướp trà cũng lắm công phu. Trong một bông sen thì tinh hoa của đất trời đều hội tụ vào nhị, cho nên nhị hoa quý nhất. Lúc hoa vừa chúm chím nở cũng là khi mùi hương đượm nhất và sáng sớm khi mặt trời chưa lên, hoa còn ngậm sương là thời điểm đẹp nhất để hái làm trà. Ướp chè sen đúng chuẩn người Hà Nội vô cùng kỳ công. Quan trọng là phải chọn được nguyên liệu là chè ngon Tân Cương, Thái Nguyên. Đầu tiên, người thợ ướp trà với những cánh hoa sen nhỏ trong 2 ngày. Sau đó tách trà khỏi cánh sen, đem sấy các công đoạn lặp đi lặp lại đến bảy lần mới xong. Ướp được 1kg chè thành phẩm cần đến 1.500 bông hoa và phải trong 18 ngày mới hoàn thiện một mẻ chè. Mọi dụng cụ làm chè đều phải thuần sạch, phụ nữ đến kỳ cũng phải tránh thật xa nơi ướp chè…

Công phu là thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi một cân chè sen Quảng An loại đặc biệt có giá đến cả chục triệu đồng. Dẫu vậy, người Quảng An làm ra bao nhiêu chè cũng không đủ bán. Những người có điều kiện kinh tế và yêu Hà Nội thường mua chè sen tiếp khách quý, làm quà phương xa. Chè sen Quảng An vì vậy luôn có một góc xứng đáng trong hành lý của những người Việt xa quê...

Theo những người làm chè lâu năm ở Quảng An thì sen hồ Tây hiện nay gốc là loại sen ở đầm Trị. Đó là giống hoa bông nhẹ, to, thơm ngát, gạo mẩy, tròn. Hoa sen ở các vùng khác chỉ có một lớp cánh mỏng bên ngoài, hương không thơm, màu không tươi và chỉ để lấy hạt trong khi sen Tây Hồ có đến hai lớp cánh ken vào nhau. Cũng không ai nhớ rõ nghề hái sen ướp chè của làng mình có từ khi nào. Chỉ biết rằng, ban đầu, người dân trong làng làm với số lượng ít, chủ yếu là biếu tặng những dịp đặc biệt, số ít bán cho những người giàu có. Về sau lượng tăng dần, nhưng vẫn là hàng quý hiếm.

Gạo sen Bách Diệp tròn, trắng, mẩy căng

Từ khi Tây Hồ lên quận, trên địa bàn phường Quảng An tập trung nhiều hộ ướp chè, nhất là khu vực làng Quảng Bá. Nghệ thuật ướp trà sen là niềm tự hào của người dân Quảng An. Tháng 7-2012, trà ướp sen hồ Tây bằng phương pháp thủ công từ hàng trăm năm mang thương hiệu Chè sen Quảng An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Quảng An, trở thành niềm tự hào của người trồng sen hồ Tây khi chè sen Quảng An có mặt ở nhiều hội nghị cấp cao cũng như những diễn đàn ẩm thực danh giá…

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ cho biết thêm, phường Quảng An đang xây dựng Đề án Trung tâm giới thiệu và thưởng thức chè sen Quảng An trên địa bàn phường. Hiện Đề án đang trong quá trình chờ phê duyệt. Cho dù hiện nay sản lượng, diện tích trồng sen không thể tăng, nghề làm chè sen cũng chưa đủ điều kiện trở thành Làng nghề nhưng những nghệ nhân làm chè sen vẫn luôn tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống đã làm nên bản sắc của một vùng đất ven hồ Tây huyền thoại…

Hương sen còn lại chút này…

Trước kia, hồ Tây mênh mông với diện tích trồng sen tự nhiên rất lớn, thì nay các đầm sen đã bị thu hẹp đáng kể do nhu cầu mở rộng đất ở đô thị. Tuy vậy, Đề án Phát triển trồng sen quận Tây Hồ năm 2013 đã xác định hai khu vực chính trồng sen là phường Quảng An 16ha; phường Nhật Tân 10ha. Hiện diện tích trồng sen vẫn duy trì theo quy hoạch, trong đó Quảng An có 4 đầm gồm: Đầm Trị, hồ Thủy Sứ, hồ Đầu Đồng và Ao Chùa do Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An quản lý, khai thác. 

Để gắn kết du lịch cảnh quan hồ Tây, tạo một không gian văn hóa cho những người yêu chè sen cũng như quảng bá văn hóa uống chè sen hồ Tây, từ năm 2017 quận Tây Hồ đã xây dựng Đề án trồng sen, giới thiệu sản phẩm sen Tây Hồ tại hồ Thủy Sứ, phường Quảng An. Hồ sen Thủy Sứ có diện tích 4ha mặt nước trồng sen Bách Diệp, loại sen có giá trị rất lớn về kinh tế và chất lượng trong việc ướp chè, là điểm nhấn cảnh quan hồ Tây nhưng chưa được khai thác đúng hướng...

Nhưng điều đáng buồn là các hồ sen có tiếng những năm gần đây không còn rực sắc hồng như nhiều năm trước dù đang chính vụ. Nấm và nguồn nước ô nhiễm đã khiến sen chết quá nửa, nửa còn lại thì gãy ngang thân, búp hay lá non vừa lên đã cháy đen. Nhiều năm nay, cũng vì dịch bệnh và ô nhiễm, nguồn nguyên liệu từ sen hồ Tây để ướp chè hầu như không còn. Những năm trước vào chính vụ, mỗi buổi sáng hồ Thủy Sứ thường xuyên có 8 đến 10 người chèo thuyền hái sen, mỗi ngày thu đến 3.000 bông, nay thì cây cũng chẳng còn. Hồ Đầu Đồng cũng cảnh tương tự… Nguyên nhân là hai hồ này chỉ cách hồ Tây một con đập mỏng, nước hồ chưa qua xử lý thường xuyên rò rỉ vào, không cách nào ngăn được. Nhưng chất lượng nước cũng không phải là nguyên nhân duy nhất khiến sen hồ Tây mai một. Vì đầm Trị cách hồ Tây một con đường lớn, ống cống duy nhất thông với hồ đã lấp kín, chủ yếu dùng nước mưa, nước giếng khoan, vụ sen mấy năm trước vẫn cho sản lượng tốt thì năm nay cây sen trong hồ đã vơi đi già nửa, hoa cũng chỉ lác đác.

Sen Ao Chùa Phổ Linh– Tây Hồ vẫn tươi đẹp nhờ bí quyết riêng

Vụ sen năm nay, mừng thay, vẫn còn một nơi cây sen vô cùng tươi tốt, hoa nhiều. Đó là sen Ao Chùa Phổ Linh do gia đình ông Phạm Cao Khải quản lý, chăm sóc đã 6 năm. Không chỉ sử dụng nước giếng khoan sâu từ 100 đến 120m, cách ly hoàn toàn với nước hồ Tây, gia đình ông cũng có những bí quyết chăm sóc đặc biệt để năm nào cây sen Bách Diệp cũng trổ hoa đẹp. Mỗi ngày thu hoạch khoảng 600-700 bông, liên tục trong 3 tháng, sen Ao Chùa chưa khi nào hết “hot”. Những ngày sen chính vụ, đây là điểm hẹn của nhiều người yêu sen hồ Tây. Từ tờ mờ sáng nhiều người đã tập trung về chụp ảnh, đợi thuyền hái hoa hoặc đơn giản chỉ là tận hưởng hương sen dìu dịu từ những đoá hồng lấp ló sau những đọt lá xanh thẫm, ngắm ngôi chùa Phổ Linh trầm mặc xa xa. Lượng sen ở Ao Chùa cũng chỉ đủ thoả lòng yêu của những người chơi hoa, ngắm hoa, làm chè bông còn nguyên liệu để ướp chè khô thì lại là câu chuyện của những vùng đất khác, nơi giống sen Bách Biệp quý giá của hồ Tây đã “an cư” trong những ngôi nhà mới…

Đau đáu với giống sen quý

Chị Nguyễn Thị Xuân – người phụ nữ làm dâu ở làng Quảng Bá đã hơn hai mươi năm, hàng ngày cùng gia đình chồng, và hiện nay vẫn cùng mẹ chồng gần 90 tuổi duy trì nghề làm chè sen truyền thống chia sẻ với phóng viên Hànộimới: Từ năm 2016 đến nay, chất lượng nước hồ Tây ô nhiễm, khí hậu thay đổi khắc nghiệt, những cơn mưa như a xít xối xuống làm thối hết đài sen (còn gọi là gương sen). Những người trồng sen lâu năm ở Quảng Bá đau đáu với nghề, trong đó có gia đình chị, đành tìm đến những vùng đất khác như làng Chèm (phường Thuỵ Phương), hay Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm, một số vùng đầm ao ở Đông Anh… để tiếp tục thuê đất trồng sen làm chè.

Năm đầu tiên mang những củ sen Bách Diệp lấy từ hồ Tây ươm xuống vùng đất lạ, những người trồng sen mất ngủ nhiều đêm. Vẫn là cách trồng sen truyền thống, tát cạn nước ao đầm từ tháng 12, để mặt ao khô cạn, nứt nẻ rồi bơm dần từng ít nước để các búp non nhô lên thì vãi thuốc chống thối gốc… Và may mắn thay, sen hồ Tây đã thích nghi được với ngôi nhà mới, gieo năm trước năm sau lên như cắm chông. Gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm từ chục năm trước cũng đã cải tạo hơn chục mẫu đầm ao ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm để làm nơi “tái định cư” cho giống sen quý Bách Diệp. Cho đến hôm nay, đây vẫn là nguồn nguyên liệu ổn định để gia đình ông giữ vững “thương hiệu” nhà làm chè sen nhiều nhất làng Quảng Bá.

Sinh ra trong một gia đình 5 thế hệ sống trên đất Quảng Bá, cũng không rõ cha ông đã làm chè sen từ đời nào để hôm nay con cháu trong gia đình vẫn cùng nhau giữ nghề quý, ông Xiêm hiểu sen Tây Hồ hơn ai hết. Ông chia sẻ, ở nước ta có rất nhiều nơi trồng sen và đã là hoa sen thì ở đâu sen cũng thơm. Nhưng để có được loài sen quý hiếm hàng trăm cánh và đặc biệt thơm ngát, dịu, nhẹ và êm không đâu có thể sánh bằng thì chỉ duy nhất sen Bách Diệp hồ Tây mà thôi. Chúng tôi cũng thử nhân giống ở những địa phận quanh hồ Tây nhưng di chuyển dịch lên hay dịch xuống khu vực phường Quảng An, những nơi mà bằng kinh nghiệm lâu năm cho rằng cùng thổ nhưỡng với làng thì hương thơm cũng bị giảm đi chỉ còn 7-8 phần.

Vận dụng hết mọi kinh nghiệm quý giá cha ông truyền lại cùng kết hợp những phương pháp hiện đại để “chăm” sen Bách Diệp, đến hôm nay ông Xiêm cũng tạm yên lòng khi thấy hương thơm của sen trồng ở vùng đất mới đã đạt đến 90% như khi còn ở hồ Tây. Hiện nay khu vực trồng sen Bách Diệp của gia đình ông ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm chính vụ mỗi ngày cũng thu hoạch được khoảng 5000 bông, ông dùng để ướp chè chứ không mấy khi bán bông. Với ông, đó là nguồn nguyên liệu quý giá, lỗ lãi gì cũng vẫn giữ để làm nghề. Bởi ông luôn tâm niện, chè sen Tây Hồ hơn cả một thứ quà, nó thấm đẫm văn hoá của đất kinh kỳ cùng rất nhiều tâm huyết và bí quyết độc đáo của người làng Quảng Bá mà không thể trộn lẫn, không nơi nào có thể sánh được… Đến hôm nay, ngôi nhà đồng thời là nơi chế biến, giới thiệu chè sen trên phố Quảng Khánh, Tây Hồ của gia đình hằng ngày luôn có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến để chiêm ngưỡng, tìm hiểu về những bí quyết gia truyền làm nên nét tinh hoa của thứ trà đệ nhất đất kinh kỳ…

Từ bàn tay khéo léo, cần mẫn của người nông dân, giống sen Bách Diệp Tây Hồ hiện đã được nhân giống rộng rãi ở các huyện ngoại thành như Mỹ Đức, Mê Linh, Đông Anh và cũng được nhiều nông dân ở các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên tìm về mua, nhân giống…Tiếng thơm của sen Tây Hồ vì thế đang ngày mỗi lan toả rộng khắp cả nước.

Ẩm thực tinh tế từ sen của người Hà Nội…

Nếu đến Hà Nội vào một ngày đầu thu xao xác gió, thức quà mà không ai có thể bỏ qua đó là một gói cốm làng Vòng thơm man mát gói bằng một sợi rơm nếp hanh hao, bọc bên ngoài là chiếc lá sen tươi sẫm, giở ra hít hà như thấy cả một trời thu Hà Nội. Còn vào ngày hè nóng nực như thế này, bạn có thể thưởng thức chè long nhãn hạt sen mát lành ở bất kỳ quán chè nhỏ ven đường nào. Phố cổ Hà Nội thì càng nhiều quán chè ngon, và dù quán có du nhập đủ thứ chè Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn hay tận Thái Lan thì bạn cũng sẽ nhận được một bát chè được làm từ các nguyên liệu rất đơn giản như hạt sen, quả nhãn, đường phèn từ tay một bà cụ tóc trắng như cước, da đã đồi mồi, nói giọng nhỏ nhẹ chuẩn Hà Nội “gốc”. Những quán chè ở phố Hàng Cân hay Gia Ngư hôm nay vẫn luôn được các bạn trẻ truyền tai nhau trên mạng là những hàng chè truyền thống ngon nhất phố cổ một phần có lẽ nhờ vị bùi thơm đặc trưng của hạt sen, cái ngọt, dai vừa phải của trái nhãn và cách thức nấu gia truyền tạo hương vị đặc trưng khó lẫn. Món ăn này còn thể hiện được sự khéo léo, tỉ mỉ và tay nghề cắt tỉa công phu của những cô gái Hà Nội đảm đang xưa khi hạt sen được lồng vào quả nhãn một cách tròn trịa, tinh tế chỉ qua một khe hở nhỏ…

Đó chỉ là rất ít những thực phẩm đến từ cây sen bởi theo thống kê, các nghệ nhân đã chế biến được đến 200 món ăn, thức uống với nguyên liệu chính từ sen như củ sen, ngó sen, hạt sen, lá sen, tim sen… Sen là nguồn cảm hứng bất tận cho các đầu bếp tại gia và chuyên nghiệp sáng tạo ra các món ăn mới, là loại cây đặc biệt khi từ lá sen, ngó sen, củ sen, hạt sen đến tim sen đều có tính ứng dụng riêng trong ẩm thực và y học. Những món ăn nổi tiếng làm từ sen có thể kể đến như chè hạt sen, mứt sen, trà hoa sen, trà tim sen, chè long nhãn, cơm lá sen…; trong đó, sang trọng và cầu kì nhất là cơm lá sen và chè long nhãn hạt sen, hai món ăn được vua chúa và giới quý tộc xưa ưa chuộng.

Cơm hấp lá sen được nấu từ những hạt gạo chất lượng, tròn, đẹp và những hạt sen tươi mới nhất. Để trang trí và tăng thêm hương vị cho món cơm, người ta cho thêm đậu hũ chiên, tôm chay, chả lụa chay, đậu cô ve , nấm đông cô, cà rốt hay chả quế, chả lụa, trứng gà, xá xíu… mỗi thứ một chút. Người đầu bếp tinh tế xào riêng các nguyên liệu rồi đặt lên cơm, gói trong lá sen để hương vị của lá thấm đẫm vào từng hạt gạo. Cơm hấp lá sen là đỉnh cao nghệ thuật “ăn bằng mắt” của ẩm thực sen.

 Một món đặc biệt nữa từ sen không thể bỏ qua đó là ngó sen. Ngó sen nõn nà, ngòn ngọt và thơm mát như tan trong miệng thường được sử dụng trong các món gỏi như gỏi tôm thịt, gỏi hải sản, gỏi chay hay các món xào,...Các món được làm từ ngó sen sẽ có vị giòn ngọt kết hợp cùng nước sốt chua cay và đậm đà sẽ tạo nên những món ăn vô cùng đậm vị, nhận sự yêu thích của nhiều người, phổ biến ở nhiều vùng miền và có mặt từ bữa cơm gia đình đến những bàn tiệc sang trọng…

Nếu ẩm thực là giá trị truyền thống của cây sen từ hàng trăm năm qua thì trong cuộc sống hiện đại, cây sen còn mang lại giá trị lớn hơn rất nhiều. Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, đời sen dâng hiến cho con người thêm rất nhiều sản vật độc đáo hữu dụng như rượu sen, tranh sen, nón lá sen, khăn sen, quạt sen…. Và cây sen dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Hà Nội còn cho nhiều sản phẩm độc đáo khác nữa như mĩ phẩm hay thậm chí dệt lụa từ sen. Và một trong những người nâng tầm cây sen ứng dụng vào đời sống với sản phẩm độc đáo lụa dệt bằng tơ sen, mang hồn cốt của dân tộc phải kể tới nghệ nhân Phan Thị Thuận ở xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức). Những sản phẩm từ tơ sen như khăn lụa, vỏ gối, vải áo dài… đã vượt đại dương đến với đông đảo bạn bè quốc tế….

Lễ hội sen Hà Nội

Một đêm cuối tháng 5 năm 2023, tôi đứng ở đảo Bồng Lai giữa hồ Tịnh Tâm của kinh thành Huế, xung quanh là thơm ngát hương sen trắng – giống sen quý từ trăm năm trước đã được các vua chúa triều Nguyễn thưởng ngoạn. Đó cũng là đêm khai mạc Lễ hội sen Huế lần thứ 3. Và tôi chợt nghĩ, với những nét đặc sắc riêng có lan toả nét văn hoá truyền thống đất kinh kỳ ngàn năm của sen Tây Hồ cũng như sự phong phú và hiệu quả kinh tế cao của mô hình trồng, chế biến sen tại nhiều vùng ngoại thành Hà Nội, tại sao không sớm có một Lễ hội sen Hà Nội trên những con đường thơ mộng ven hồ Tây lộng gió?  Tôi cũng được biết Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ 2 đã được tổ chức ngày 19/5/2024 tiếp tục quảng bá rộng rãi cho thương hiệu sen Đồng Tháp. Trong dòng chảy chung đó, cây sen Hà Nội, với bề dày văn hoá gắn với cảnh quan đặc sắc của hồ Tây huyền thoại và sự khởi sắc trong đời sống đương đại ở nhiều vùng quê ngoại thành, chắc chắn sẽ có nhiều câu chuyện thú vị, sản phẩm độc đáo để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

 Mong mỏi của tôi cũng như của nhiều người Hà Nội đang dần trở thành sự thật. Những ngày tháng 6 này, UBND quận Tây Hồ phối hợp với các đơn vị liên quan đang rất khẩn trương triển khai Lễ hội Sen Hà Nội 2024, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 tại Không gian văn hoá sáng tạo Tây Hồ. Đây là một trong những sự kiện tiêu biểu chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời giới thiệu, quảng bá thương hiệu Sen Hà Nội nói riêng và Sen Việt Nam nói chung đến du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp trồng sen với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương. Trong khuôn khổ lễ hội, dự kiến sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc như Hội thi Ẩm thực từ sen, Đêm nhạc Trịnh Công Sơn, Hội thảo chủ đề bảo tồn đa dạng sinh học về sen, Cuộc thi ảnh “Em và sen”, Triển lãm những bức ảnh đẹp về sen, trình diễn tạo tác các tác phẩm từ sen… Nhiều người mong chờ Lễ hội sen Hà Nội lần đầu được tổ chức sẽ mang đến một không gian trải nghiệm mới mẻ và độc đáo, trở thành điểm hẹn du lịch ấn tượng trong mùa hừ 2024 cho những du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô Hà Nội, đến với Tây Hồ.

Vậy là chúng ta sắp có một “sân chơi” thực sự cho những người trồng sen Thủ đô giới thiệu sản phẩm, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trồng trọt, chế biến sen, tạo cơ hội cho du khách thập phương chiêm ngưỡng, tìm hiểu những tinh hoa trong văn hoá ướp trà thủ công, thưởng trà sen của người Hà Nội…Cây sen Hà Nội, đặc biệt là những đoá sen Tây Hồ đã hội tụ đủ những câu chuyện thú vị để kể, và được kể trong một không gian đẹp, đậm chất văn hoá của đất kinh kỳ ngàn năm như những con phố đi bộ ven hồ Tây thì chắc chắn Lễ hội sen Hà Nội sẽ thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo điểm nhấn về du lịch, văn hoá và cả kinh tế cho Thủ đô….  

                                                                                             Văn Ngọc Thuỷ

 

TIN LIÊN QUAN

BÌNH CHỌN

Đánh giá thái độ tiếp dân của cán bộ Một Cửa?