VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH
Tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu
Ngày 10/6, Văn phòng UBND Thành phố ban hành Thông báo số 356/TB-VP về Kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ triển khai các dự án đầu tư: Xây dựng cầu Trần Hưng Đạo; xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường hai đầu cầu.
Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố, Sở Xây dựng, ý kiến của các Sở, ngành Thành phố và đơn vị dự họp Chủ tịch UBND Thành phố kết luận, chỉ đạo như sau:
1. Đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo: Về đoạn đường dẫn phía Bắc cầu Trần Hưng Đạo, giao UBND quận Long Biên chủ trì phối hợp Sở Tài chính đề xuất nguồn kinh phí thu hồi đất, đền bù hỗ trợ công trình trên đất; phối hợp với các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Nông nghiệp và Môi trường để triển khai các thủ tục thu hồi đất và bàn giao cho các đơn vị. Đồng thời, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Nông nghiệp và Môi trường xem xét đề xuất của UBND quận Long Biên mở rộng phạm vi, quy mô nút giao của Dự án cầu Trần Hưng Đạo với đường Nguyễn Sơn đảm bảo kết nối hài hòa, chống ùn tắc giao thông cục bộ.
Về kế hoạch thực hiện và tiến độ khởi công Dự án đầu tư: Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố rà soát cập nhật kế hoạch thực hiện; Sở Xây dựng báo cáo UBND Thành phố xem xét trên nguyên tắc phù hợp với thực tế nhưng phải đảm bảo theo chỉ đạo khởi công Dự án vào dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám 19/8 và Quốc khánh 2/9 theo đúng Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 của Chính phủ.
Về thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo: Các Sở Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Nông nghiệp và Môi trường; UBND các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên; Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương có ý kiến thẩm định; Sở Xây dựng hoàn chỉnh nội dung thẩm định, trình UBND Thành phố trước ngày 13/6/2025; giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố chỉ đạo các đơn vị tư vấn chủ động liên hệ phối hợp với các đơn vị liên quan để giải trình trong quá trình tổ chức thẩm định (nếu cần). Yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý công việc theo "làn xanh", không để chậm trễ.
Về áp dụng hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị và xây lắp công trình): Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố rà soát, báo cáo UBND Thành phố trong kỳ họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, cấp bách trên địa bàn Thành phố lần kế tiếp.
2. Đối với Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu: Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố triển khai ngay công tác sơ tuyển nhà thầu EPC theo hình thức rộng rãi trong nước và quốc tế theo hướng công nghệ tiên tiến, đồng bộ, máy móc thiết bị hiện đại, đảm bảo chi phí thực hiện thấp nhất; giao Sở Xây dựng phối hợp, hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố nghiên cứu triển khai thực hiện.
Giao Sở Tài chính tiếp tục chủ trì cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố rà soát, xác định cụ thể, phối hợp làm việc với Bộ Tài chính để đề xuất mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương đối với Dự án cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.
Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố chủ trì và Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường để có văn bản thỏa thuận của Bộ trước ngày 15/6/2025 về thiết kế Dự án thành phần 2: Thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành trên cả địa phận thành phố Hà Nội và huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên.
Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố rà soát điều chỉnh kế hoạch tiến độ triển khai thực hiện Dự án thành phần 3 trình UBND Thành phố phê duyệt, đảm bảo khởi công vào ngày 19/8/2025; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần 2 đảm bảo khớp nối với tiến độ Dự án thành phần 3 (cầu chính); phối hợp, cung cấp hồ sơ Dự án thành phần 2 và Dự án thành phần 3 đến UBND các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Văn Giang - tỉnh Hưng Yên và các chủ đầu tư dự án đầu tư có liên quan đảm bảo khớp nối đồng bộ giữa các dự án đầu tư.
UBND các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì đẩy nhanh tiến độ công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng theo tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư, gửi Sở Xây dựng tổ chức thẩm định, báo cáo UBND Thành phố trong trước ngày 10/6/2025.
Triển khai nhiệm vụ sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính
Ngày 09/6, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3388/UBND-NC về việc triển khai công văn số 69/CV-BCĐ của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.
Theo đó, để triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp theo yêu cầu, UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phải nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ về công tác sắp xếp đơn vị hành chính. Việc thực hiện phải bám sát tiến độ và đảm bảo chất lượng như kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải kịp thời báo cáo và đề xuất các vấn đề vướng mắc, khó khăn (nếu có) về Sở Nội vụ để tổng hợp và gửi UBND Thành phố xem xét, giải quyết.
Sở Nội vụ được giao làm đầu mối tham mưu cho UBND Thành phố trong việc tổng hợp các vướng mắc, khó khăn, đồng thời tham mưu về tình hình và tiến độ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác sắp xếp các đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp và báo cáo UBND Thành phố trước 08h sáng mỗi thứ năm hằng tuần.
Xếp hạng 9 di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh
Ngày 10/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2859/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Quyết định, di tích được xếp hạng cấp Thành phố bao gồm: (1) Di tích Lịch sử-nghệ thuật chùa Bắc Cầu 3 (Thuận Lợi tự), phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên; (2) Di tích Lịch sử-lưu niệm danh nhân nhà thờ họ Bạch La Khê, phường La Khê, quận Hà Đông; (3) Di tích Lịch sử văn hoá đình Đụn Dương, thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất; (4) Di tích Lịch sử-nghệ thuật đình Phương Hài, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ; (5) Di tích Lịch sử-lưu niệm danh nhân nhà thờ và lăng Tiến sỹ họ Ngô, xã Cao Sơn Tiến, huyện Ứng Hoà; (6) Di tích Lịch sử văn hóa đình Nội Lưu, xã Bình Lưu Quang, huyện Ứng Hòa; (7) Di tích Lịch sử-kiến trúc nghệ thuật đình Ngọc Trục, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa; (8) Di tích Lịch sử-nghệ thuật đình Vũ Ngoại, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà; (9) Di tích Lịch sử-nghệ thuật chùa Vũ Ngoại (Trường Khánh tự), xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà.
Sau khi các di tích được xếp hạng, UBND các quận, huyện: Long Biên, Hà Đông, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ứng Hòa sẽ chịu trách nhiệm công khai và triển khai các biện pháp bảo vệ, khoanh vùng bảo vệ di tích, đồng thời xây dựng hồ sơ cắm mốc giới trên thực địa. Các UBND phường, xã, thị trấn: Ngọc Thuỵ (Long Biên), La Khê (Hà Đông); Liên Quan (Thạch Thất); Đông Phương Yên (Chương Mỹ); Cao Sơn Tiến, Bình Lưu Quang, Đông Lỗ, Liên Bạt (Ứng Hòa) cũng sẽ tổ chức thành lập Ban Quản lý di tích để đảm bảo việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích này.
Mọi hoạt động xây dựng hoặc khai thác trong khu vực di tích đã được xếp hạng và khoanh vùng các khu vực bảo vệ đều bị nghiêm cấm, trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất, xây dựng tại di tích phải được phép của UBND Thành phố.
Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện và phường, xã, thị trấn nêu trên có di tích được xếp hạng thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các di tích này, đảm bảo tuân thủ các quy định về di sản văn hóa.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm
Ngày 10/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2858/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm, tỷ lệ 1/500 tại các ô đất quy hoạch ký hiệu K4/CQ2 và K7/CQ3.
Theo Quyết định, tổng diện tích đất được điều chỉnh khoảng 47.366m² thuộc địa giới hành chính phường Cổ Nhuế 2 và phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Trong đó, vị trí ô đất quy hoạch ký hiệu K4/CQ2: Phía Bắc giáp tuyến đường Nguyễn Đình Tứ có mặt cắt ngang rộng 30m; phía Đông giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 30m; phía Nam giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 15,5m; phía Tây giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 15,5m; ô đất quy hoạch ký hiệu K7/CQ3: Phía Bắc giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 15,5m; phía Đông giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 30m; phía Nam giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 21,5m; phía Tây giáp tuyến đường quy hoạch có mặt cắt ngang rộng 15,5m.
Mục tiêu điều chỉnh Đồ án là cụ thể hóa chức năng sử dụng đất, đảm bảo khớp nối đồng bộ về các yếu tố quy hoạch, kiến trúc, giao thông và hạ tầng kỹ thuật, tạo dựng một không gian sống hiện đại và hài hòa với khu vực xung quanh. Bên cạnh đó, đồ án cũng là cơ sở pháp lý để Chủ đầu tư tiến hành lập dự án xây dựng và các cơ quan chức năng quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng. Cụ thể, tại các ô đất quy hoạch ký hiệu K4/CQ2 và K7/CQ3, các công trình dự kiến bao gồm: nhà thể thao đa năng, nhà học viên (ký túc xá), hội trường, giảng đường, thư viện, nhà bảo vệ, và các công trình hạ tầng kỹ thuật... Đặc biệt, khu vực này cũng sẽ đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, chống động đất, và tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các giải pháp thiết kế công trình sẽ đảm bảo tính thẩm mỹ và phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân và học viên.
Đồ án điều chỉnh cục bộ cũng đưa ra các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hệ thống giao thông và các giải pháp hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, khu đất sẽ bố trí các tuyến đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, hệ thống cấp nước, năng lượng, thoát nước và hạ tầng viễn thông...
Đối với tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan đảm bảo quy mô số tầng cao công trình từ 01 đến 23 tầng nổi phù hợp định hướng Quy hoạch. Khi thiết kế phương án kiến trúc công trình phải đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và định vị mặt bằng công trình theo các chỉ tiêu đã khống chế tại Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất và Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan.
Đối với thiết kế cảnh quan đô thị, đồ án đề xuất các giải pháp kiến trúc công trình hiện đại, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng. Cây xanh sẽ được lựa chọn và trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, không chỉ tạo mỹ quan mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cải tạo môi trường sống. Khuyến khích khai thác nghệ thuật ánh sáng nhất là hình ảnh về đêm như chiếu sáng công trình, chiếu sáng đường phố, chiếu sáng cây xanh, sân vườn nội bộ ...
UBND Thành phố giao: Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận hồ sơ và bản vẽ điều chỉnh, đảm bảo nội dung phù hợp với quyết định được phê duyệt. Đồng thời, các nội dung điều chỉnh sẽ được cập nhật vào hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết của khu vực.
UBND quận Bắc Từ Liêm sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh để tổ chức công bố công khai nội dung điều chỉnh quy hoạch đến các cơ quan, tổ chức và người dân có liên quan theo đúng quy định.
Các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận Bắc Từ Liêm và UBND các phường Cổ Nhuế 2, Xuân Đỉnh sẽ chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đồng thời xử lý kịp thời các hành vi xây dựng sai quy hoạch nếu phát sinh.
Bên cạnh đó, các Sở Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng ... kiểm tra các nội dung có liên quan sau điều chỉnh, đồng thời hướng dẫn Ban Quản lý Dự án thực hiện thủ tục đầu tư, nghĩa vụ tài chính và quản lý đất đai theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì phối hợp cùng UBND địa phương và các đơn vị liên quan để kiểm tra ranh giới, mốc giới, diện tích thực tế các lô đất, đảm bảo không chồng lấn, đúng với định hướng quy hoạch.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh sẽ chủ động liên hệ với các sở, ngành để được hướng dẫn triển khai các thủ tục về đầu tư, đất đai, tài chính theo đúng quy định của Nhà nước và Thành phố.
Quyết định này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày ký.
Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Khuông Việt với đường tỉnh lộ 131 địa phận huyện Sóc Sơn
Ngày 10/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2864/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Khuông Việt với đường tỉnh lộ 131, huyện Sóc Sơn.
Theo Quyết định, tuyến đường có chiều dài khoảng 235 mét, điểm đầu tại nút giao đường Khuông Việt - Lưu Nhân Trú, điểm cuối kết nối với tỉnh lộ 131 (đường Núi Đôi), mặt cắt ngang 30 mét. Dự án sẽ bao gồm các hạng mục: Đền bù giải phóng mặt bằng, di chuyển công trình ngầm nổi; nền, mặt đường giao thông, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng; xử lý nền đất yếu; hệ thống thoát nước mưa, thoát nước thải, hào kỹ thuật, kè và các hạng mục phụ trợ khác ... Dự án thuộc nhóm C với tổng mức đầu tư dự kiến là 57,998 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn ngân sách huyện Sóc Sơn và được triển khai trong giai đoạn 2025-2028.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng tuyến đường nhằm hoàn chỉnh đoạn tuyến nối từ đường Khuông Việt, đường Lưu Nhân Trú đến đường tỉnh 131 theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông khung chính được đồng bộ, hiện đại, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
UBND huyện Sóc Sơn được giao làm chủ đầu tư, có trách nhiệm tổ chức triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, xác định khối lượng chi phí đền bù sát thực tế và bố trí tái định cư (nếu có). Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và có giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Dự án đảm bảo phù hợp với các định hướng quy hoạch chung Thủ đô, chính sách sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn tới, theo Kết luận 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị. Đồng thời, đánh giá Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2021-2025 cấp mình và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm 2026-2030.
Các Sở: Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Nông ngiệp và Môi trường và các đơn vị liên quan phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn trong quá trình triển khai nhằm bảo đảm dự án thực hiện đúng quy định, hiệu quả và đúng tiến độ đề ra.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường Tỉnh lộ 425 từ Quốc lộ 21B đi vào khu thắng cảnh di tích Chùa Hương
Ngày 10/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2871/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Phương án vị trí tuyến đường Tỉnh lộ 425 từ Quốc lộ 21B đi vào khu thắng cảnh di tích Chùa Hương, huyện Ứng Hòa, tỷ lệ 1/500.
Theo Quyết định, phương án được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập và Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, tuyến đường bắt đầu từ nút giao với Quốc lộ 21B, đi qua địa bàn xã Bình Lưu Quang và kết thúc tại cầu Đục Khê, nằm bên bờ tả sông Đáy; chiều dài khoảng 3,5km. Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với nền đường rộng 12m, gồm hai làn xe cơ giới và hai lề đường rộng 2,5m mỗi bên.
Các chỉ giới, tim tuyến và thông số kỹ thuật đã được xác định chi tiết trên bản vẽ quy hoạch. Tuyến đường cũng sẽ được thiết kế các nút giao bằng, phù hợp với định hướng các quy hoạch đã được duyệt và chủ trương của HĐND Thành phố tại Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 4/10/2024.
UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận bản vẽ phương án vị trí tuyến đường Tỉnh lộ 425 từ Quốc lộ 21B đi vào khu thắng cảnh di tích chùa Hương, huyện Ứng Hòa, tỷ lệ 1/500 theo Quyết định phê duyệt của UBND Thành phố.
Giao UBND huyện Ứng Hòa chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan để công bố công khai, bàn giao hồ sơ quy hoạch cho UBND xã Bình Lưu Quang, tổ chức cắm mốc giới, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự xây dựng trong phạm vi hành lang tuyến.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Từ Bá Cơ, huyện Thường Tín
Ngày 10/6, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2866/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Từ Bá Cơ, huyện Thường Tín.
Theo Quyết định, tuyến đường Từ Bá Cơ sẽ có chiều dài khoảng 0,74 km, với mặt cắt ngang rộng 16 mét, bao gồm các hạng mục kỹ thuật phụ trợ như hệ thống cấp nước, thoát nước mưa và nước thải, điện chiếu sáng, an toàn giao thông cùng cây xanh cảnh quan. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là hơn 59 tỷ đồng, nguồn vốn được bố trí từ ngân sách huyện Thường Tín với thời gian triển khai từ năm 2025 đến 2027.
Mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường nhằm kết nối giao thông với đường Đàm Viết Tân, đường Quốc lộ 1A và Khu đô thị số 5 thuộc thị trấn Thường Tín; tạo điều kiện đi lại thuận lợi của nhân dân; góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt; nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất hai bên đường; cải thiện cảnh quan, môi trường xanh, sạch đẹp, tạo bộ mặt đô thị văn minh - hiện đại; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;….
Dự án thuộc nhóm C; UBND Thành phố giao UBND huyện Thường Tín triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo các quy định hiện hành về đầu tư công, xây dựng và quản lý quy hoạch. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở: Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc để đảm bảo dự án được thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ và đạt chất lượng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7/2025
Ngày 10/6, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về việc Tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7/2025.
Theo Kế hoạch, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách Dân số. tuyên truyền về những cơ hội, thách thức của dân số toàn cầu, Việt Nam và của Thủ đô Hà Nội, các nội dung ưu tiên và những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Nội dung tuyên truyền năm nay sẽ tập trung vào các vấn đề như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Phổ biến, quán triệt Kết luận số 149-KL/TW ngày 10/4/2025 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách dân số và phát triển; truyền thông thay đổi hành vi đối với các vấn đề ưu tiên của công tác dân số hiện nay như: Lợi ích của việc sinh đủ 2 con; chuyển đổi hành vi về giới và bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi; chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi; duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản - tình dục, phòng tránh tảo hôn, hôn nhân cận huyết, già hóa dân số, nâng cao chất lượng dân số và bình đẳng giới. Các nhóm dân cư dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, người di cư, người khuyết tật… cũng được xác định là đối tượng ưu tiên trong các hoạt động truyền thông.
Lễ mít tinh cấp Thành phố dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba 08/7/2025 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Dân số, lãnh đạo UBND Thành phố, các sở, ban ngành cùng khoảng 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chương trình lễ bao gồm văn nghệ chào mừng, chiếu phóng sự chuyên đề, phát biểu khai mạc, công bố chủ đề của Ngày Dân số Thế giới và phần cổ động trên các tuyến phố chính.
Ngoài Lễ mít tinh, Thành phố sẽ triển khai chuỗi hoạt động truyền thông từ ngày 01/7 đến 11/7/2025, bao gồm: tuyên truyền trực quan bằng pano, băng rôn, khẩu hiệu tại khu dân cư, trường học, bệnh viện; phát sóng phóng sự, TV spot trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và các nền tảng số như Facebook, TikTok, Zalo; tổ chức tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt cộng đồng.
Tại cấp cơ sở, các hoạt động truyền thông về dân số và phát triển hưởng ứng kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7/2025 được tổ chức thông qua các hoạt động như: Mít tinh, cổ động diễu hành, trực quan, sân khấu hóa, tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, truyền thông nhóm nhỏ... với các chủ đề trọng tâm như mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, già hóa dân số, bình đẳng giới và nâng cao chất lượng dân số. Bên cạnh đó, tổ chức biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình điển hình trong việc thực hiện chính sách dân số, đặc biệt là những gia đình sinh đủ hai con, không lựa chọn giới tính thai nhi và tích cực tham gia tuyên truyền vận động cộng đồng.
Sở Y tế là cơ quan thường trực, đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị truyền thông, công an Thành phố và chính quyền cơ sở để đảm bảo công tác tổ chức được thực hiện hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và thiết thực. Chính quyền cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới 11/7/2025 phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Hội thảo về Cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao
Ngày 10/6, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND về việc tổ chức Hội thảo về "Cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao".
Theo Kế hoạch, triển khai 02 nội chính là (1) Cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao: Thực trạng nhân lực công nghệ cao làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay; kinh nghiệm các nước trên thế giới về thu hút nhân tài, nhà khoa học, chuyên gia và bài học gợi mở cho việc thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao; đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao; trao đổi và thảo luận cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao; (2) Cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao và thảo luận: Thực trạng hoạt động đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay; kinh nghiệm các nước trên thế giới về hoạt động đổi mới sáng tạo và bài học gợi mở cho việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao; đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao; trao đổi và thảo luận cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao.
Hội thảo dự kiến tổ chức vào 01 ngày, trong tuần từ ngày 09-14/6/2025 tại Hội trường tầng 7, UBND Thành phố Số 12, Lê Lai, Hoàn Kiếm với thành phần tham gia hội thảo dự kiến mời 04 đồng chí: Đại diện Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo UBND Thành phố, Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội, Lãnh đạo Sở Tư pháp chủ trì Hội thảo; khách mời là đại diện cơ quan Trung ương, Đại biểu Thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài và các cơ quan báo chí.
Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp Thành phố (đơn vị chủ trì tham mưu về nội dung) chủ trì và phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình, kịch bản điều hành Hội thảo; dự thảo phát biểu của lãnh đạo Thành phố, dự thảo đề dẫn Hội thảo; chủ trì và phối hợp Sở Tư pháp, Sở Khoa học và Công nghệ và nhóm chuyên gia Luật Thủ đô mời viết bài Hội thảo, lập danh sách đại biểu, chuyên gia tham gia tham luận tại Hội thảo, danh sách các bài viết sẽ trình bày tại Hội thảo; tổng hợp các bài tham luận; ...
Mở đợt cao điểm "90 ngày, đêm" làm sạch dữ liệu hôn nhân và cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân
Ngày 10/6, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND về việc Thực hiện mở đợt cao điểm "90 ngày, đêm" làm sạch dữ liệu hôn nhân và cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo Kế hoạch, nhằm mục đích làm sạch, đồng bộ toàn bộ dữ liệu về tình trạng hôn nhân trong CSDL hộ tịch điện tử với CSDLQG về DC; thực hiện số hóa, làm sạch dữ liệu thông tin kết hôn tại các cơ quan ngành Tư pháp, thông tin ly hôn theo bản án của Tòa án nhân dân các cấp để thực hiện chia sẻ cho CSDLQG về DC và hiển thị trên ứng dụng VNeID phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ; bảo đảm việc triển khai thực hiện tích hợp thẻ Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe trên ứng dụng VNeID nhằm kết nối, hiển thị thông tin giấy tờ của người dân trên ứng dụng VNeID và từ đó triển khai các tiện ích của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của Chính phủ; triển khai cắt giảm thành phần hồ sơ đối với các TTHC có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân, cắt giảm thủ tục hành chính "cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân" trên địa bàn Thành phố nói riêng cũng như trên địa bàn toàn quốc nói chung. Rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục có liên quan như đăng ký phương tiện; nhận cha, mẹ, con; đăng ký khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con…
Thời gian triển khai đến hết ngày 31/08/2025 chia làm 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 đến ngày 10/6/2025 tập trung nội dung chuẩn bị các điều kiện cơ bản thực hiện kết nối, số hóa, làm sạch dữ liệu thông tin tình trạng hôn nhân của công dân tại các đơn vị thuộc ngành Tư pháp, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; giai đoạn 2 từ ngày 10/06/2025 đến ngày 30/6/2025 phối hợp cập nhật dữ liệu, chuẩn hóa đồng bộ thông tin tình trạng hôn nhân từ CSDL hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý, Hệ thống quản lý nghiệp vụ thụ lý, giải quyết các loại vụ, việc của Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân Tối cao quản lý với hệ thống CSDLQG về DC để hiển thị trên ứng dụng VneID; giai đoạn 3 từ ngày 01/07/2025 đến ngày 31/8/2025 triển khai sử dụng thông tin tình trạng hôn nhân trên ứng dụng VNeID để phục vụ giải quyết TTHC và các giao dịch dân sự, yêu cầu khác theo quy định của pháp luật. Tổ chức rà soát các TTHC có yêu cầu thành phần hồ sơ về xác nhận tình trạng hôn nhân, đồng thời tham mưu đề xuất các Bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền về việc cắt giảm thành phần hồ sơ đối với các TTHC có yêu cầu "xác nhận tình trạng hôn nhân" tiến tới cắt giảm thủ tục "cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân".
UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành, UBDN cấp huyện, UBND cấp xã(mới) quán triệt đến 100% lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình nội dung kế hoạch, ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt cao điểm; yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị mình thực hiện xác thực, tích hợp thông tin tình trạng hôn nhân trên ứng dụng VneID; triển khai các giải pháp tuyên truyền, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan, đơn vị, trên các trang mạng xã hội, các nhóm zalo cộng đồng; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các TTHC có thành phần hồ sơ có yêu cầu "xác nhận tình trạng hôn nhân" để đề xuất các Bộ, ngành Trung ương cắt giảm thủ tục "cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân"...
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, cơ quan truyền thông tổ chức truyền thông rộng khắp trong đợt cao điểm làm sạch dữ liệu tình trạng hôn nhân và cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân; chủ trì tổ chức Hội nghị quán triệt cao điểm "90 ngày, đêm" làm sạch dữ liệu hôn nhân và triển khai cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân. Xong trước ngày 15/6/2025.
Tòa án nhân dân Thành phố chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ, Tòa án nhân dân cấp huyện phối hợp ngành tư pháp cùng cấp xây dựng quy chế trao đổi thông tin, chuyển bản án, quyết định lý hôn, quyết định tuyên bố một người đã mất tích, đã chết cho cơ quan tư pháp; phối hợp Cục Công nghệ thông tin Tòa án nhân dân tối cao, Cục C06 - Bộ Công an, Công an Thành phố thực hiện làm sạch, cập nhật dữ liệu thông tin tình trạng hôn nhân, giấy kết hôn đồng bộ trên ứng dụng VneID.
Công an Thành phố chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân Thành phố, Sở Tư pháp phân công cử cán bộ đầu mối cùng các Bộ, ngành liên quan thành lập Tổ công tác ứng trực xử lý nhanh các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị cơ sở trong quá trình triển khai đợt cao điểm; Phối hợp Cục C06 - Bộ Công an đồng bộ dữ liệu tình trạng hôn nhân lên ứng dụng VneID.
Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố phối hợp Công an Thành phố điều chỉnh các hệ thống thông tin tiếp nhận, giải quyết TTHC của tỉnh loại bỏ các thành phần hồ sơ có yêu cầu "xác nhận tình trạng hôn nhân".
Căn cứ nội dung Kế hoạch yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã khẩn trương xây dựng Kế hoạch, ban hành văn bản triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể theo phương châm "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ lộ trình hoàn thành" để tổ chức triển khai đợt cao điểm hiệu quả, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Định kỳ trước 09h00'' ngày thứ 5 hàng tuần, yêu cầu các đơn vị, địa phương báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất giải quyết các điểm nghẽn trong quá trình thực hiện đợt cao điểm về Công an Thành phố
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND cấp xã mới (sau sắp xếp đơn vị hành chính) chịu trách nhiệm người đứng đầu về hoàn thành các chỉ tiêu đợt cao điểm tại địa bàn phụ trách, tạo mọi điều kiện thuận lợi, bố trí kinh phí, nhân lực, huy động xã hội hóa toàn dân./.